Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chưa đầy 1 tháng nghỉ hè sau khi kết thúc năm học 2023 - 2024, chị Nguyễn Thị Dịu (36 tuổi, trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng) lại phải bố trí thời gian để về quê đón cậu con trai đang học lớp 6 lên thành phố để học thêm. Đây là việc thường niên trong 3 năm trở lại đây từ khi con chị mới học xong lớp 3.
"Cháu đi học cả năm, thi thoảng vào dịp nghỉ hè hoặc lễ, Tết mới được về thăm ông bà nên vợ chồng tôi cũng muốn cho cháu có thời gian nghỉ hè nhiều hơn. Tuy nhiên, lớp học thêm môn Toán của cô giáo bộ môn đã mở nên cháu phải vào "năm học mới" sớm hơn", chị Dịu chia sẻ.
Vị phụ huynh cho biết, trước khi kết thúc năm học, cô giáo bộ môn đã có ý dặn dò "chương trình học năm tới sẽ khó hơn rất nhiều" và gợi mở các em nên đăng ký đi học thêm tại lớp học của cô để việc tiếp thu kiến thức cho năm học mới đỡ bỡ ngỡ. Lời gợi ý ấy kèm theo lá đơn xin học thêm tự nguyện được soạn sẵn chỉ còn thiếu thông tin học sinh cùng chữ ký của phụ huynh.
"Cháu nhà tôi tiếp thu bài ổn nhưng kiến thức thực tế của cháu còn hạn chế nên tôi muốn thời gian hè sẽ cho cháu đi học một lớp. Tuy nhiên, cả lớp đều đi học mà con mình không đi cũng không ổn nên vợ chồng tôi phải gác lại ý định và cho cháu đi học thêm tại lớp của cô giáo", chị Dịu cho biết.
Chuyện của chị Dịu cũng là câu chuyện phổ biến về cho con đi học thêm của nhiều phụ huynh các trường công lập hiện nay.
Vấn nạn dạy thêm, học thêm từng được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT tại nhiều kỳ họp. Bởi vậy, từ Quy định về dạy thêm, học thêm trong Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT điều chỉnh Thông tư 17/2012.
Nội dung trong văn bản này quy định về việc cấm dạy thêm trái phép nhưng trong cộng đồng giáo viên và giới phụ huynh thì vẫn cứ gọi đó là quy định về cấm dạy thêm, học thêm. Thế nhưng, câu chuyện dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra tràn lan. Không được tổ chức dạy thêm học thêm trong trường thì người ta kéo học sinh tới các trung tâm hoặc các lớp học lẻ.
Chung quy lại, thầy cô vẫn dạy thêm và học trò vẫn học thêm, chỉ có điều, trẻ em thì phải học ở nhiều nơi có cơ sở vật chất tệ hơn so với học trong nhà trường.
Liên quan tới vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từng khẳng định tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 20/11/2023 rằng, đây là một nhu cầu thực tế và Bộ đã có nhiều quy định về hoạt động này.
Tuy nhiên với môi trường ngoài nhà trường, Bộ trưởng nhìn nhận còn đang thiếu cơ sở pháp lý để quản lý, giám sát, điều tiết, xử lý. Bộ GD&ĐT từng đề xuất bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, từ đó có cơ sở pháp lý để xử lý bên ngoài trường học, nhưng chưa được chấp thuận.
Ngày 22/8/2024, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm thay thế các quy định hiện hành để lấy ý kiến góp ý. Bộ GD&ĐT cho rằng, đây là việc làm cần thiết với hy vọng chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm và góp phần hạn chế những tiêu cực trong giáo dục.
Những quy định trong dự thảo này được cho là có nhiều nội dung cho phép nhà trường, giáo viên và phụ huynh chủ động hơn trong dạy thêm, học thêm như: Theo quy định hiện hành, học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn gửi nhà trường (có chữ ký của cha mẹ).
Còn trong dự thảo chỉ nêu: "Căn cứ vào đề xuất của tổ chuyên môn, hiệu trưởng họp với các thành phần liên quan (có đại diện cha mẹ học sinh nhà trường) thống nhất, công khai mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền và danh sách giáo viên dạy thêm theo môn học để học sinh tự nguyện đăng ký".
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), cần nhìn nhận dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của cả người dạy, người học. Những giáo viên giỏi sẽ luôn có những học sinh hiếu học muốn học để phát triển được năng lực của các em.
Từ đó, dự thảo loại bỏ các thủ tục hình thức, như giáo viên cần xin phép hiệu trưởng để được dạy học sinh của mình như quy định hiện hành. Thay vào đó, thầy cô có thể dạy, nhưng cần lập danh sách học sinh, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không bắt buộc các em dưới mọi hình thức.
Để ngăn chặn tình trạng thầy cô ép học sinh của mình học thêm, dự thảo đưa ra quy định: "Không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh".
Quy định này hướng đến khắc phục hiện tượng gây bức xúc lâu nay là giáo viên ra đề thi vào nội dung ở lớp học thêm, học sinh nào học thêm thì có điểm cao trong bài kiểm tra, đánh giá và ngược lại. Theo ông Thành, Bộ GD&ĐT muốn hướng đến ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.
Khi biết Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm, gia đình chị Dịu rất quan tâm. Theo chị Dịu, những quy định về dạy thêm ngoài nhà trường tại dự thảo có phần "thoáng" hơn trước đây.
Vì thế, những giáo viên muốn dạy thêm sẽ thuận lợi hơn. Điều mà phụ huynh quan tâm, lo ngại nhiều nhất là dạy thêm ngoài nhà trường nhưng do chính thầy cô trong trường tổ chức.
"Học thêm xuất phát từ nhu cầu của học sinh và gia đình các em và còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình cũng như năng lực học tập của từng học sinh. Vì vậy, tôi mong sao, với dự thảo lần này, học thêm sẽ không còn phải là gánh nặng, nỗi lo của nhiều gia đình", chị Dịu bày tỏ.
Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, cho biết, dự thảo có nhiều điểm tích cực, giúp dư luận hiểu rõ chủ trương không cấm dạy thêm, học thêm.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Bộ GD&ĐT cần làm rõ hơn tác hại của dạy thêm, học thêm, trong đó có việc gây áp lực cho học sinh, tốn kém cho gia đình và mâu thuẫn với mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là bảo đảm giáo dục toàn diện.
"Thực tế, dạy thêm, học thêm hiện nay chủ yếu chạy theo việc trang bị kiến thức, trong khi mục tiêu của chương trình mới là giảm kiến thức hàn lâm, rèn phẩm chất, năng lực cho học sinh", Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam nói.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, trong việc quản lý dạy thêm, học thêm không chỉ quy định để giáo viên dạy thêm đảm bảo tinh thần tự nguyện, cũng như đáp ứng nhu cầu thật của phía người học mà phải có các giải pháp đồng bộ để thay đổi nhận thức của cả thầy, trò và phụ huynh.
Các bậc cha mẹ cần nhìn thấy tác hại của việc cho con học thêm quá nhiều. Muốn giáo dục có chất lượng, cần thoát khỏi tình trạng nhồi nhét kiến thức. Bên cạnh đó, tư duy học thêm vì điểm số cũng cần được loại bỏ.
Theo ông Lâm, trong quy định về dạy thêm, học thêm nên dứt khoát cấm dạy thêm ở bậc tiểu học và có các biện pháp hạn chế ở bậc trung học. Với trẻ tiểu học cần thêm các hoạt động, rèn kỹ năng hơn là nhồi nhét kiến thức ngoài những nội dung đã học ở trường.
Điểm mới trong dự thảo là không đề cập đến những quy định cấm so với quy định hiện hành như: "Giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà mình đang dạy chính khóa"; "không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học"; "giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường"...
Dự thảo chỉ quy định: Không được cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình; không sử dụng câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.