Trên sân thượng rộng hơn 100m2 dùng để trồng linh sam, lão nông Thắng “đổ” (Trần Thắng, quận Tân Phú, TP.HCM) dành hẳn khoảng trống rộng 4m2 làm phòng studio với mục đích làm “lý lịch” cho cây kiểng. Căn phòng "dã chiến" này được trang bị máy quay, máy chụp hình, phông màn, tấm hắt sáng… Theo lão nông Thắng “đổ”, để làm “lý lịch” cho cây kiểng, ông đã cất công, bỏ thời gian đi học chụp hình, quay phim. “Rất kỳ công để cho linh sam lý lịch”, ông chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử DANVIET.VN, ông Thắng “đổ” cho biết, hơn 15 năm trước, ông đã ý thức việc phải làm “lý lịch” cho cây kiểng. “Tôi làm không phải chủ ý để nâng giá bán cây, mà muốn trải nghiệm quá trình cây phát triển để chia sẻ với nông dân”, ông thổ lộ. Nên ngay từ lúc mua hay bứng linh sam, ông Thắng “đổ” đã cho chụp hình, ghi clip.
Cứ mỗi khi tạo dáng, chỉnh sửa cây, ông lại cho ghi hình, quay phim. Hành này động cứ lặp đi, lặp lại như thế suốt nhiều năm cho đến khi cây cơ bản hoàn thành. Ảnh. Một cây linh sam bonsai 6 năm trước và hiện nay.
Theo lão nông Thắng “đổ”, khác với nhiều người nuôi cây kiểng thấy lời là bán, ông nuôi cây từ khi là cây phôi đến khi cơ bản ra sản phẩm. Chính vì thế, ông có cơ hội để làm “lý lịch” cho cây. “Bình thường nhìn một sản phẩm cây kiểng không nhiều người có cảm xúc, và thấy đó là một tác phẩm kỳ công của nghệ nhân, nhưng với cây có “lý lịch” quá trình hình thành bằng hình ảnh hay clip thì mới thấy hết giá trị của nó”, ông bộc bạch với phóng viên DANVIET.VN.
Tất cả những “lý lịch” của linh sam, ông Thắng “đổ” đưa lên trang facebook của mình để giới thiệu đến những ai quan tâm.
Trong hơn 100 gốc linh sam trên sân thượng, rất nhiều cây đã được ông Thắng “đổ” làm “lý lịch”, có những gốc “không phải để bán”. “Rất đơn giản nếu ai muốn truy xuất nguồn gốc linh sam của tôi”, ông Thắng “đổ” cười vui.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.