Đua nhau tổ chức
Vài năm trở lại đây, lễ hội hoa anh đào đang trở thành một lễ hội không thể thiếu mỗi dịp Xuân về và cũng trở thành món ăn tinh thần mang tình hữu nghị không thể thiếu của người dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Tuy nhiên, một lễ hội được tổ chức như thế nào và không quá lạm dụng lại đang là câu hỏi được đặt ra cho các cơ quan quản lý.
Ngoài tổ chức ở Hà Nội, TP.HCM, lễ hội hoa anh đào được tổ chức ở quá nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, dần trở thành trào lưu.
Một bạn trẻ tạo dáng tại lễ hội hoa anh đào tổ chức tại Hà Nội
Ngay tại thành phố Hà Nội, đã có ít nhất 3 nơi được tổ chức lễ hội hoa anh đào là Hoàng thành Thăng Long, Hồ Tây và Thiên đường Bảo Sơn.
Sắp tới đây, tại Hạ Long (Quảng Ninh) vào tháng 3 và tại Đà Nẵng vào tháng 4 cũng sẽ có kế hoạch tổ chức trồng 50 cây hoa anh đào, có lễ hội hoa anh đào. Khu vực bài trí hoa cũng sẽ phối hợp thêm các sân khấu và khu triển lãm hội chợ, tổ chức biểu diễn các bộ môn nghệ thuật Nhật Bản như trà đạo, thư pháp, cosplay...
Chỉ để chụp hình?
Câu hỏi được đặt ra liệu có cần thiết phải tổ chức nhiều lễ hội hoa anh đào như thế? Đấy là chưa kể khâu tổ chức lễ hội làm thế nào tránh lặp lại và gây ra những hình ảnh phản cảm, kém văn hóa.
Còn nhớ cách đây mấy năm, những hình ảnh nam thanh, nữ tú, tranh giành, giẫm đạp lên nhau để bẻ cành, ngắt hoa anh đào đầu tiên được nước bạn tặng khiến cây trơ trụi đã được đánh giá là những hình ảnh phản cảm, thiếu văn minh, gây bức xúc trong dư luận và làm mất đi hình ảnh của người Việt trong con mắt bạn bè quốc tế.
Theo GS.TS Nguyễn Chí Bền – Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, điều gì cũng có hai mặt, mặt tích cực và tiêu cực. Nhìn theo hướng tích cực thì lễ hội hoa anh đào là cơ hội để Việt Nam tiếp nhận văn hóa nước ngoài, để người Việt Nam có thể học hỏi, được hiểu thêm về lễ hội hoa anh đào Nhật Bản. Nếu tổ chức không quá nhiều và làm nổi bật được nét văn hóa đặc sắc, cái tinh hoa của lễ hội hoa anh đào thì chúng ta có thể tiếp thu, làm giàu vốn văn hóa dân tộc của Việt Nam.
Tuy nhiên nhìn về mặt tiêu cực thì nếu như tổ chức một lễ hội quốc tế ở nhiều nơi, địa phương, thì sẽ không quản lý được lễ hội. “Đấy là chưa nói đến tổ chức lễ hội hoa anh đào với tần suất quá nhiều, ở nhiều địa phương thế cũng gây lãng phí, không cần thiết. Trong khi nhìn lại lễ hội của Việt Nam, chúng ta còn chưa tổ chức hết các lễ hội và cũng chưa thể quản lý tốt các lễ hội Việt Nam”, GS.TS Nguyễn Chí Bền chia sẻ.
Đã từng tham gia lễ hội hoa anh đào Nhật Bản 2015 diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), bạn Nguyễn Đình Tuyến - sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) bày tỏ: “Lễ hội chỉ thu hút bộ phận các bạn trẻ tham gia đến chụp hình là chính, trong khi nhiều người lớn tuổi đến xem xong lại về ngay. Tôi thấy việc tổ chức lễ hội hoa anh đào tại nhiều địa phương ngoài Hà Nội, TP.HCM không biết có nên không.
Quan trọng, kinh phí tổ chức lễ hội tại địa phương đó do cơ quan nào bỏ ra, bên phía đối tác tài trợ hay một số hoanh nghiệp đứng ra tài trợ. Còn nếu sử dụng tiền của dân để tổ chức thì thật lãng phí bởi mục đích của việc tổ chức chủ yếu chỉ để chụp hình".
Nói về lễ hội hoa anh đào, ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VHTTDL cho biết: “Theo quan điểm của Cục Hợp tác Quốc tế, dưới góc độ tăng cường xúc tiến, quảng bá VHTTDL, đẩy mạnh hợp hữu nghị và thúc đẩy sự hiểu biết giữa người dân hai nước Việt Nam – Nhật Bản. Chính phủ ủng hộ hợp tác quốc tế từ cơ quan Trung ương đến địa phương và các tổ chức hữu nghị thông qua các hoạt động văn hóa có chất lượng nhằm giới thiệu nét đẹp văn hóa của cả hai nước đến với công chúng Việt – Nhật. Với Việt Nam, đây cũng là cách hữu hiệu để đưa tinh hoa văn hóa quốc tế đến với người dân Việt Nam và tăng cường giao lưu nhân dân. Cục hợp tác Quốc tế cho rằng, đó là tín hiệu đáng mừng trong giao lưu Việt – Nhật”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.