Tàu hải cảnh Trung Quốc.
Theo CNN, vụ việc trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tái khẳng định cam kết bảo vệ đồng minh Nhật.
Đài truyền hình NHK đưa tin, Nhật Bản đã gửi thông điệp phản đối đến đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo và Bắc Kinh thông qua đại sứ quán Nhật.
Căng thẳng Trung-Nhật đã bùng phát nhiều lần trong những năm qua, liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các máy bay, lực lượng hải quân hai nước không ít lần xua đuổi nhau trong khu vực này.
Cục Hải dương Trung Quốc, cơ quan giám sát Lực lượng Bảo vệ Bờ biển nước này, gửi thông cáo vào cuối ngày 6.2, khẳng định 3 tàu tuần tra "hoạt động bên trong vùng lãnh hải quần đảo Điếu Ngư của Trung Quốc".
Trên trang web chính thức, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đăng một thông điệp xác nhận vụ việc. Trong khi đó, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật thông báo, các tàu của Trung Quốc hoạt động 2 tiếng đồng hồ ở lãnh hải Nhật.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là điểm nóng trong tranh chấp Nhật Bản, Trung Quốc.
Cơ quan này cho biết, đây là lần thứ 4 tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển của Nhật trong năm nay. Năm 2016 có tổng cộng 36 vụ việc như vậy.
“Với việc đưa tàu đến vùng biển tranh chấp, Trung Quốc đã gửi tín hiệu khẳng định không lùi bước trong việc bảo vệ yêu sách hàng hải, cũng như muốn thử phản ứng của chính quyền Trump”, Carl Schuster, Giáo sư tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii, cựu giám đốc chiến dịch tại Trung tâm tình báo hỗn hợp thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương nhận định.
Cuối tuần trước, tại một cuộc họp báo ở Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis tuyên bố, Mỹ sẽ giúp bảo vệ các đảo tranh chấp cùng với Nhật Bản. Bắc Kinh sau đó đáp trả bằng thông điệp, nói lập trường của Washington gây bất ổn trong khu vực.
Cam kết của Mỹ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là chính sách mà người tiền nhiệm Barack Obama đã duy trì trong nhiều năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.