Đưa tiếng nói nông dân lên bàn quốc sự

Thứ tư, ngày 20/02/2013 07:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - LTS: Để góp phần đưa ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của nông dân đến với các cơ quan lập pháp, từ nay đến tháng 6.2013 (thời điểm diễn ra kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII), Báo NTNN sẽ đăng tải một số kỳ chuyên trang tổng hợp ý kiến của nông dân về vấn đề này.
Bình luận 0

“Dân bức xúc từ lâu lắm rồi. Chúng tôi không biết nói với ai, và nói như thế nào cho hết, để ai nghe... Hôm nay nhân có cơ hội Đảng và Nhà nước cho phép, tất cả những cái đó (tham vấn người dân về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi - PV) về đến tận dân, chúng tôi mới gặp được các đồng chí lãnh đạo từ bộ, tỉnh, đến phóng viên báo chí truyền hình. Đó là điều may mắn cho chúng tôi”.

img
Tham vấn nông dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại xã Quy Hậu (Tân Lạc, Hòa Bình).

Người tự nhận “may mắn” ấy là lão nông Hồ Huy Hiệu ở xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. “Cơ hội” mà ông và các nông dân khác trong xã được hỏi ý kiến chính là hoạt động tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Tổ chức Oxfam hỗ trợ thực hiện tại quê ông.

Để dự luật “gần mặt đất” hơn

Việc tham vấn nông dân theo chương trình này không phải làm chiếu lệ ở một vài xã đơn lẻ. Với một nỗ lực chung, Viện Nghiên cứu lập pháp và Tổ chức Oxfam đã hỗ trợ một số tổ chức chính trị xã hội và tổ chức phi chính phủ Việt Nam thực hiện tham vấn người dân của 22 xã ở 11 huyện thuộc 4 tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Bình và Long An. Hoạt động này đã và đang thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.

Trong tháng 2.2013, hoạt động tham vấn được tiếp tục đối với 200 người, nâng tổng số người được tham vấn lên hơn 1.000 nông dân.

Sau 3 tháng, đã có hơn 880 người được hỏi ý kiến trực tiếp; 44 cuộc hội thảo lấy ý kiến người dân về nội dung của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), phỏng vấn cán bộ xã và họp tổng kết cấp xã. Tại cấp huyện và tỉnh, hoạt động này được tiếp tục với việc phỏng vấn doanh nghiệp, phỏng vấn lãnh đạo các ban ngành liên quan và hội thảo tổng kết cấp tỉnh.

Sáu tổ chức trực tiếp thực hiện các hoạt động tham vấn tại 4 tỉnh nêu trên là Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình (thực hiện tham vấn ở tỉnh Hòa Bình); Mạng lưới An ninh lương thực và giảm nghèo (CIFPEN) thực hiện tham vấn ở tỉnh Yên Bái; Quỹ Giảm nghèo và Phát triển Nông thôn (RDPR) và Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và Phát triển (CIRD) thực hiện tham vấn ở tỉnh Quảng Bình; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam (PHANO) thực hiện tham vấn ở tỉnh Long An.

Các cuộc tham vấn đã phản ánh kinh nghiệm và giải pháp liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thay đổi trong sử dụng đất, đất rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, định giá đất, đền bù và tái định cư.

“Nhiều nông dân đã chia sẻ những câu chuyện và khó khăn của họ và đề xuất lên nhà hoạch định chính sách các khuyến nghị cụ thể về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các cuộc thảo luận tại cơ sở đã cho thấy một thực tiễn đa dạng, phức tạp, với đầy thách thức mà người dân đang phải đối mặt, cũng như những mong muốn của họ. Nó minh họa các thiếu sót trong chính sách, và trong nhiều trường hợp, là cả những yếu kém trong thực hiện chính sách” - ông Nguyễn Văn Phấn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình nhận định.

Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình là một trong những đơn vị được hỗ trợ thực hiện tham vấn ở 7 xã, thị trấn thuộc 3 huyện của tỉnh này.

Cách nghe quan trọng hơn số lần nghe

Trong hơn 1.000 ý kiến của nông dân – những người gắn bó máu thịt nhất với đất đai, chắc chắn có nhiều ý kiến đáng được lắng nghe một cách nghiêm túc.

Nhưng số lượng ý kiến tập hợp được chưa hẳn quan trọng hơn cách nghe. Lựa chọn cách tham vấn ý kiến của nông dân nhỏ, lẻ làm hướng chính, Viện Nghiên cứu lập pháp và Tổ chức Oxfam có lý do dễ chia sẻ, vì trên các diễn đàn góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai hiện nay, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý các cấp có nhiều cơ hội lên tiếng.

Trong khi đó, nông dân (nhất là những nông dân sản xuất quy mô nhỏ) lại có ít cơ hội tương xứng để bày tỏ thấu đáo nguyện vọng của mình. Họ cần được hỗ trợ thảo luận theo nhóm, trao đổi và lên tiếng, hoàn thiện thành những nhóm ý kiến về vấn đề lớn, mang tính phổ biến, thay vì những ví dụ đơn lẻ.

Bởi vậy, điểm khác biệt thấy rõ trong hình thức tổ chức tham vấn theo chương trình này là nông dân được tập hợp thành từng nhóm, thảo luận thống nhất các vấn đề và trực tiếp trình bày ý kiến của mình. Họ được coi là những nhân vật trung tâm của hoạt động tham vấn, kể cả đối với các cuộc hội thảo ở cấp tỉnh.

Hoạt động tham vấn cấp Trung ương dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 3 tới. Các kết quả tham vấn này sẽ được gửi đến các đại biểu Quốc hội vào cuối đợt lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ông Bert Maerten - Đại diện Oxfam tại VN: Đừng bỏ qua ý kiến dân nghèo

img
 

Đất đai là tài sản quan trọng đối với người nghèo, nhóm người yếu thế trong cộng đồng. Thu hồi đất nông nghiệp mà không qua một quy trình minh bạch, không đền bù thỏa đáng và không có cơ hội lựa chọn kế sinh nhai thay thế, sẽ đẩy người dân quay trở lại nghèo đói, thậm chí lâm vào cảnh cùng cực. Người nghèo, nhóm người yếu thế bị tác động nhiều nhất bởi những thiếu sót trong các chính sách về đất đai, tham nhũng và lạm dụng.

TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: Đây là một kênh thông tin quý!

img
 

Chúng tôi đánh giá cao hoạt động tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do các đối tác của Oxfam thực hiện. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với quyền của nhân dân và mang lại cơ hội để họ thực hiện quyền tham gia xây dựng chính sách. Hoạt động tham vấn là một kênh thông tin quý báu và sẽ là căn cứ cho Viện Nghiên cứu lập pháp tham khảo trong quá trình nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Đất đai cũng như cung cấp kênh thông tin khác cho Quốc hội khi quyết định về dự thảo luật này.

Hội nông dân VN, các địa phương tổ chức lấy ý kiến

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa ký Kế hoạch số 27/KH-UBND tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 28.1.2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 6.2.2013, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 263/KH-UBND về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Cùng ngày 6.2, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Sở TNMT tỉnh này đã giới thiệu toàn văn nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và mở hòm thư điện tử nhận ý kiến đóng góp.

n Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch lấy ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, Ban Thường vụ yêu cầu việc lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, hội viên nông dân phải được tiến hành dân chủ, công khai, khoa học; đảm bảo tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm; ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác... Phía Hội Nông dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với chính quyền và các ban, ngành ở địa phương tổ chức phổ biến nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia tìm hiểu và đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem