Đã 80 năm trôi qua, kể từ ngày 22/06/1941, khi Đức Quốc xã phát động chiến tranh tấn công Liên Xô, mà không tuyên chiến trước.
Những tháng đầu của Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã diễn ra với thiệt hại to lớn dành cho phía Hồng quân và nhân dân Liên Xô - bởi cả nguyên nhân khách quan từ sức mạnh quân sự của quân đội phát xít, cũng như cả bởi nguyên nhân chủ quan từ sự yếu kém của Quân đội Xô viết đang trong quá trình cải tổ dở dang.
Cho đến hôm nay, vẫn còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ về cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Một trong những câu hỏi lớn nhất, đó là Quân đội Liên Xô có bị bất ngờ về chiến lược trong ngày 22/06/1941 hay không?
Trước hết, không thể phủ nhận rằng: Ở cấp chiến dịch - chiến thuật, các đơn vị trên tiền duyên phòng ngự biên giới phía Tây của Liên Xô đã bị bất ngờ bởi đòn tấn công không báo trước của quân đội Đức Quốc xã.
Sự bất ngờ này, cùng với trình độ tổ chức và trang bị còn non yếu của Hồng quân Liên Xô, đã khiến cho họ phải chịu tổn thất khủng khiếp trong thời kì đầu chiến tranh, với tổn thất gần 5 triệu người (bị chết, bị thương, bị bắt, đầu hàng, mất tích v.v…), cùng gần như toàn bộ sức mạnh của lực lượng không quân, thiết giáp, và pháo binh.
Các cơ sở công nghiệp quan trọng ở miền tây Liên Xô bị đánh chiếm, bị phá hủy, bị bao vây (Leningrad), hoặc phải sơ tán về phía đông.
Tuy nhiên, ở cấp độ chiến lược và chiến dịch - chiến lược, những thông tin về khả năng nước Đức phát xít tấn công Liên Xô đã được các điệp viên tình báo Hồng quân liên tục chuyển về nước từ trước chiến tranh.
Đáng kể nhất là chiến công của điệp viên huyền thoại Richard Sorge từ Tokyo (Nhật Bản), khi hai lần gửi điện về Liên Xô khẳng định "Chiến tranh sẽ bắt đầu ngày 22/06".
Mặc dù những thông tin của các điệp viên viết đưa về đã không được cơ quan tình báo Hồng quân coi trọng, nhưng những dấu hiệu về việc tập trung binh lực của Đức ở biên giới Liên Xô đã cho thấy chiến tranh chỉ là chuyện sớm hay muộn.
Đêm 21/06/1941, dựa trên những thông tin có được (về việc có tiếng động cơ và sự tập trung quân ở bên kia biên giới, việc nhiều người dân Ba Lan và một binh sĩ Đức liều mình vượt biên giới để báo cáo tin tức cho Biên phòng Liên Xô, v.v…), các lãnh đạo cao nhất của Liên Xô và quân đội đã có thể khẳng định gần như chắc chắn về việc Đức sẽ tấn công vào sáng ngày 22/06/1941.
"KOVO-41 có hiệu lực"
Để bảo vệ vùng lãnh thổ và đường biên giới mới (nằm trên đất Ba Lan cũ), từ giữa năm 1940, Bộ Quốc phòng Liên Xô đã giao cho Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch phòng thủ biên giới quốc gia.
Sau nhiều lần được Hội đồng Quốc phòng Liên Xô xem xét, chỉnh sửa, đến tháng 04/1941, bản kế hoạch được đích thân Stalin phê chuẩn và mang mật danh KOVO-41.
Nội dung chủ yếu của kế hoạch là đưa các lực lượng vũ trang Liên Xô vào tư thế sẵn sàng chiến đấu khi có nguy cơ chiến tranh, động viên quân dự bị trên toàn liên bang, để phát triển các đơn vị từ biên chế thời bình sang thời chiến.
Trong đêm 21/06/1941, trước những thông tin xác thực từ nhiều nguồn về khả năng rất cao quân Đức sẽ tấn công Liên Xô, lãnh tụ Stalin đã đồng ý để Ủy viên nhân dân (Bộ trưởng) Bộ Quốc phòng Liên Xô, ra lệnh đưa KOVO-41 vào triển khai trên thực tế.
Như vậy, ở cấp độ chiến lược, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã dự đoán trước được việc phát xít Đức sẽ tấn công nước mình, và ra mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới cho quân đội. Nhưng tại sao vào sáng ngày hôm sau, Hồng quân Liên Xô vẫn bị bất ngờ trong chiến tranh, và phải chịu tổn thất lớn?
Sai lầm chết người trong khâu tổ chức
Trước hết, cần thấy rằng: Khi Chiến tranh vệ quốc vĩ đại bùng nổ, Hồng quân Liên Xô vẫn đang ở trạng thái thời bình. Lãnh tụ Stalin được cho là đã ngăn cản việc tăng cường quân số ở biên giới, vì lí do sợ sẽ tạo ra sự khiêu khích với quân Đức.
Các đơn vị của Hồng quân vào thời điểm năm 1941 không có đủ biên chế thời chiến (mỗi sư đoàn bộ binh chỉ có khoảng 5-8.000 người so với 15-16.000 quân của sư đoàn Đức). Để phát triển đủ biên chế thời chiến, cần có tổng động viên trên toàn đất nước.
Lấy các đơn vị xe tăng - cơ giới Hồng quân làm ví dụ: Mỗi xe tăng cần có nhiều xe tải tương ứng để phục vụ hậu cần, chở đạn, chở xăng dầu, phụ tùng, v.v…
Trong biên chế các quân đoàn cơ giới mới thành lập đầu năm 1941 của Hồng quân Liên Xô, tỉ lệ xe tăng và xe tải chỉ xấp xỉ 1:1, trong khi trong các đơn vị xe tăng - cơ giới Đức là 1:10 (gấp 10 lần).
Điều này tất yếu dẫn đến hậu quả là các đơn vị xe tăng Hồng quân nhanh chóng bị đánh tan trong những ngày đầu chiến tranh, trong đó một phần rất lớn không bị phá hủy trong chiến đấu, mà bị bỏ lại do trục trặc, hỏng hóc, hết đạn dược, hết xăng dầu, v.v…
Nhưng đó là câu chuyện sau khi chiến tranh đã bùng nổ. Trở lại trước ngày 22/06/1941, để có thêm xe tải cho các đơn vị xe tăng Hồng quân, đảm bảo một tỉ lệ tối thiểu là khoảng 3,6 xe tải cho một xe tăng, thì chỉ có cách duy nhất là động viên xe tải và lái xe từ các ngành kinh tế quốc dân như công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, v.v…
Các xe tải và lái xe dân sự được tổ chức thành khung các đơn vị dự bị. Kế hoạch động viên KOVO-41 của từng đơn vị Hồng quân được đặt trong các phong bì có niêm phong và đặt trong két bảo mật tại đơn vị.
Khi có tín hiệu từ Bộ Tổng hành dinh STAVKA, chỉ huy và chính ủy đơn vị mở phong bì, và đến các đơn vị dân sự để nhận quân dự bị, đưa vào chiến đấu.
Trong đêm 21/06/1941, ngay khi có sự chấp thuận của lãnh tụ Stalin, Bộ Tổng Tham mưu đã nhanh chóng soạn thảo chỉ thị gửi cho các quân khu và cho Hải quân.
Vấn đề là: Vào thời điểm đó, Liên Xô không thể thông báo tổng động viên rộng rãi trên đài phát thanh, vì như vậy không khác gì cho người Đức một cái cớ hợp pháp để gây chiến.
Vì vậy, thay vì kích hoạt toàn bộ KOVO-41, Bộ Tổng Tham mưu Hồng quân chỉ có thể kích hoạt một phần kế hoạch này, bao gồm việc: bí mật chiếm lĩnh các hỏa điểm tại các khu vực phòng thủ trên tuyến biên giới, phân tán toàn bộ không quân ra các sân bay dã chiến và ngụy trang, báo động chiến đấu bộ đội phòng không (nhưng không huy động thêm quân số dự bị), v.v…
Do đó, các sĩ quan tham mưu của Hồng quân ở Moskva phải mất thời gian soạn thảo một chỉ thị dài dòng và khó hiểu. Các chỉ thị này bắt đầu được gửi đến các quân khu qua đường điện tín vào lúc 0 giờ 30 ngày 22/06/1941.
Theo hồi kí "Chiến tranh đã bắt đầu như thế" của Nguyên soái Bagramian (năm 1941 là Đại tá, Trưởng phòng Tác chiến Quân khu Kiev), sở chỉ huy quân khu phải mất 2 tiếng đồng hồ mới dịch xong bức điện này.
Từ cấp quân khu chuyển xuống các đơn vị chiến đấu thì không kịp nữa, bởi quân Đức đã bắt đầu tấn công vào lúc 4 giờ sáng ngày 22/6.
Cũng theo Nguyên soái Bagramian, các sư đoàn trên biên giới Liên Xô phải mất ít nhất 8-10 giờ (2-3 giờ để báo động và tập trung, 5-6 giờ để hành quân và tổ chức phòng ngự) thì mới có thể chiếm lĩnh được tuyến phòng thủ tiền duyên.
Còn muốn đưa toàn bộ lực lượng của tập đoàn quân phòng thủ biên giới quốc gia vào trạng thái hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu và triển khai theo kế hoạch thì cần 2 ngày đêm!
Rõ ràng, lệnh báo động chiến đấu và tổng động viên đã không đến kịp với các đơn vị chiến đấu, khiến họ phải bắt đầu chiến tranh trong hoàn cảnh bị bất ngờ.
Mặt khác, mạng lưới vô tuyến điện của Hồng quân trước chiến tranh cũng chưa đầy đủ. Quân khu miền Tây chỉ có 27% số đài vô tuyến so với biểu biên chế, quân khu Kiev là 30%, quân khu Pribaltic là 52%.
Mạng lưới điện thoại hữu tuyến cũng trong tình trạng tương tự. Việc chỉ huy bộ đội phải dùng đến cả nguồn lực của Bộ Bưu điện, tuy nhiên các cơ quan dân sự này chưa được chuẩn bị cho chiến tranh.
Trong hoàn cảnh thiếu thốn trang bị liên lạc, lại bị biệt kích luồn sâu của Đức phá hoại đường dây điện thoại, nên đương nhiên lệnh báo động chiến đấu không thể đến kịp các đơn vị trước khi quân Đức tấn công.
Cũng trong hồi kí của mình, Nguyên soái Bagramian đã cho rằng: Đáng lẽ Bộ Tổng Tham mưu chỉ nên gửi một bức điện ngắn "KOVO-41 có hiệu lực" là đủ, và như thế sở chỉ huy quân khu chỉ mất 15-20 phút để nhận và dịch điện, sau đó gửi đi cho các đơn vị cấp dưới.
Trên thực tế, một lực lượng chiến đấu trên tuyến biên giới là bộ đội biên phòng Xô viết đã được chỉ huy như vậy. Khác với Hồng quân, các đồn biên phòng của Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD) Liên Xô lại được chỉ huy theo hệ thống riêng.
Trong đêm ngày 21/06/1941, NKVD chỉ gửi một bức điện ngắn 1 dòng để báo động chiến đấu qua vô tuyến điện. Điều này cho phép biên phòng Xô viết triển khai toàn bộ lực lượng để đón đánh quân thù.
Như vậy, mặc dù Tổng hành dinh đã dự đoán được nguy cơ chiến tranh với Đức, nhưng lệnh báo động chiến đấu đã không kịp chuyển đến các đơn vị chiến đấu trên biên giới.
Trái với những ý kiến cho rằng Tổng hành dinh Xô viết đã ngủ yên trong đêm ngày 21/06, Bộ Tổng Tham mưu và sở chỉ huy các quân khu Liên Xô đã sáng đèn suốt đêm.
Tuy nhiên, điều đau lòng là mặc dù đã làm việc hết sức mình để chạy đua với thời gian, các sĩ quan tham mưu Xô viết vẫn không thể ngăn chặn một thảm họa đáng tiếc ập xuống đầu Hồng quân, dẫn đến những thiệt hại khủng khiếp trong thời kì đầu của Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.