Chủ quan là "đứt"
Đi từ quá khứ tới hiện tại, bóng đá Việt Nam từng trải qua nhiều bài học quý. Những thất bại đau đớn trước Thái Lan, Singapore đã tôi luyện nên "chất thép" cho các tuyển thủ trong hành trình vô địch AFF Cup 2008.
|
Dễ dàng vượt qua O. Malaysia, các cầu thủ O. Việt Nam (trái) sẽ gặp nhiều khó khăn trước đối thủ O. Singapore |
Ngược lại, sự chủ quan cũng không ít lần khiến các đội tuyển Việt Nam phải ngậm trái đắng. Tiger Cup 1998 tổ chức ngay trên sân nhà, thế hệ vàng gồm Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Việt Hoàng... thắng thuyết phục Thái Lan 3-0 ở bán kết, để rồi sau đó thua Singapore 0-1 trong trận tranh ngôi vô địch.
Tới SEA Games 2009, những Thành Lương, Tiến Thành, Thanh Hưng, Long Giang... hạ gục U23 Singapore 4-1 với sức mạnh tưởng như không có gì cản phá nổi, trước khi "rơi vàng", thua 0-1 trước U23 Malaysia - đội bóng mà thầy trò HLV Calisto đã dễ dàng thắng 3-1 ở vòng bảng.
O.Iran quyết thắngỞ cặp đấu diễn ra lúc 16 giờ, O.Malaysia sẽ đứng trước những đợt tấn công dồn dập của O.Iran. Ở vào thế buộc phải thắng để duy trì hy vọng đoạt Cúp, những chân sút của O.Iran: Hamidreza, Arash, Ebrahimi... sẽ chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất để tạo nên sự khác biệt.
Thực tế, tối 28-9 vừa qua, khi O.Việt Nam với thành phần gồm nhiều gương mặt mới, hội đủ khát khao, sự quyết tâm cũng đủ khiến những nhà ĐKVĐ SEA Games có tên trong đội hình O.Malaysia choáng váng.
Vấn đề chỉ xuất hiện khi O.Việt Nam sớm dẫn trước 2-0 gắn với những khoảnh khắc thiếu tập trung, ham phô diễn khả năng cá nhân, thay vì hướng tới lối chơi tập thể mà HLV Calisto (HLV Phan Thanh Hùng được giao quyền tạm thời đóng thế) xây dựng.
Nếu những lỗ hổng ấy còn xuất hiện trong cuộc so tài với O.Singapore chắc chắn đội chủ nhà sẽ phải trả giá đắt. Đội bóng đảo quốc sư tử nổi tiếng ở khả năng kiềm chế cảm xúc. Họ có thể "chịu đòn" bằng nhiều cách, trước khi đưa ra "độc chiêu" kết liễu đối thủ.
Trong trận đấu với O.Iran nhỉnh hơn về mọi mặt, O.Singapore vẫn tìm được bàn gỡ 1-1 trong cơ hội gần như là duy nhất của mình sau 90 phút thi đấu.
O.Singapore chơi rắn
Sự thật là sau khi bị O.Singapore cầm hòa, trong phòng họp báo, HLV Peyravani (O.Iran) không ngớt lời ca thán lối đá có phần bạo lực của đối thủ, cùng cách điều hành không tốt của các trọng tài đã khiến O.Iran ức chế, không chơi được theo cách của mình.
Đáp lại, trợ lý HLV Sundram Moorthy (O.Singapore) nói: "Tôi không hiểu tại sao lại coi lối đá của O.Singapore là bạo lực. Ai cũng biết O.Iran là đội bóng mạnh, và trên sân, mỗi người đều có nhiệm vụ riêng. Các cầu thủ của chúng tôi đã thực hiện tốt ý đồ chiến thuật của BHL. Nếu họ chơi phạm luật, thì đã có trọng tài xử lý".
Đứng trước câu hỏi liệu O.Singapore có đá rắn với O.Việt Nam như cách đã thể hiện trước O.Iran hay không, ông Sundram Moorthy cho rằng mỗi trận đấu đều có tính chất riêng, và không thể nói trước điều gì.
Trong trường hợp những chú "sư tử" non sử dụng lối đá áp sát quyết liệt, thì cũng là lúc thầy trò HLV Phan Thanh Hùng cần thể hiện được bản lĩnh trận mạc. Ở cuộc đọ sức với O.Malaysia, Thanh Hưng sau khi vào sân từ ghế dự đã tỏ ra thiếu kiềm chế trong pha va chạm với Fakri, để phải nhận thẻ vàng. Những "cái đầu nóng", thiếu tỉnh táo không bao giờ giải quyết được vấn đề, mà chỉ làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ.
Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu HLV Thanh Hùng quyết định đưa vào sân ngay từ đầu những cái tên có kinh nghiệm thi đấu quốc tế: Hoàng Quảng, Thanh Hưng, Thái Dương..., để bảo đảm 1 thế trận chắc chắn trước O.Singapore.
Trong khi đó, ở phía trên, Anh Đức cũng phải thể hiện nhiều hơn mới mong hạ được thủ môn Lewis-người đã chơi rất hay trong cuộc so tài với O.Iran.
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.