Dùng thuốc xịt mũi chứa Corticoid suốt 1 năm, trẻ phù mặt, rậm lông

Diệu Linh Thứ năm, ngày 21/07/2022 06:07 AM (GMT+7)
Gia đình dùng thuốc xịt mũi chứa Corticoid để chữa viêm xoang cho trẻ trong suốt 1 năm. Kết quả, bệnh nhi bị suy tuyến thượng thận, mặt tròn vo, lông tay chân rậm rạp.
Bình luận 0

Tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, các bác sĩ Khoa Nhi vừa tiếp nhận điều trị một trường hợp trẻ bị suy tuyến thượng thận do dùng thuốc xịt mũi chứa Corticoid liên tục trong 1 năm. 

Bệnh hiểm vì dùng thuốc xịt mũi chứa Corticoid lâu ngày

Bệnh nhân là bé Ngô T H (10 tuổi, trú tại Sơn Động, Bắc Giang). Bệnh nhi đến khám do bị viêm mũi, ngạt mũi, dùng thuốc xịt tai mũi họng lâu ngày không đỡ. 

Dựa trên các biểu hiện lâm sàng như bộ mặt cushing, chân tay rậm lông, xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy chỉ số cortisol thấp (3,43 nmol/l), các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy tuyến thượng thận do dùng thuốc có corticoid, viêm mũi xoang cấp. Trẻ được điều trị bù can xi, sử dụng thuốc hydrocotisol.

Dùng thuốc xịt mũi chứa Corticoid suốt 1 năm, trẻ phù mặt, rậm lông - Ảnh 1.

Gương mặt tròn đặc trưng của chứng suy tuyến thượng thận của bệnh nhân dùng thuốc xịt mũi chứa Corticoid lâu ngày. Ảnh BVCC

Bác sĩ Nguyễn Thị Sơn, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Sử dụng thuốc có thành phần Corticoid dài ngày không theo hướng dẫn của bác sĩ là một trong những nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận đối với bệnh nhi.

Corticoid được sử dụng đúng chỉ định, liều lượng vừa phải trong một thời gian nhất định có thể điều trị hiệu quả một số bệnh lý nguy hiểm như hen phế quản, sốc phản vệ, lupus ban đổ hệ thống, viêm khớp dạng thấp... và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ thể. 

Dùng thuốc xịt mũi chứa Corticoid suốt 1 năm, trẻ phù mặt, rậm lông - Ảnh 2.

Còn cánh tay mọc đầy lông rậm. Ảnh BVCC

Tuy nhiên dùng Corticoid liều cao và kéo dài dẫn đến nguy cơ suy tuyến thượng thận, làm trẻ chậm phát triển do tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngưng hoạt động, không còn duy trì chức năng nội tiết". 

Theo bác sĩ Sơn, trẻ bị tổn thương tuyến thượng thận cấp với các triệu chứng điển hình như hội chứng cushing (tăng cân, mặt tròn, béo trung tâm, tích tụ mỡ ở vùng cổ, sau gáy…), rậm lông, da mỏng, rạn da, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội, tăng đường huyết, rối loạn điện giải, rối loạn tâm thần, chậm phát triển chiều cao, loãng xương…

Triệu chứng nặng có thể xuất hiện bất thường như: đau bụng; nôn và tiêu chảy nhiều gây mất nước nặng, xuất huyết tiêu hóa, tụt huyết áp, có khi không đo được; lơ mơ, có thể hôn mê.

Khi đang dùng gluco chứa Ccorticoid liều cao, kéo dài và ngừng thuốc hoặc giảm liều đột ngột bệnh nhân sẽ thấy mệt mỏi khó chịu, chán ăn, đau cơ, nhức đầu, bong vảy da... 

Không tự ý dùng thuốc chứa Corticoid

Bác sĩ Sơn cho hay, Corticoid (hay corticosteroid) là nhóm hoạt chất có tác dụng kháng viêm mạnh, chống dị ứng, ức chế miễn dịch, thường được sử dụng để điều trị cho nhiều bệnh lý khác nhau, từ các bệnh về da như kích ứng do côn trùng đốt, eczema, chàm, vẩy nến…, các bệnh như viêm khớp, viêm phổi, các bệnh tự miễn như dị ứng, lupus ban đỏ hệ thống. 

Do tác dụng phổ biến mà có thể dễ dàng mua ngoài hiệu thuốc để sử dụng. Tuy nhiên, việc cha mẹ tự ý sử dụng các thuốc có Corticoid nói riêng không theo hướng dẫn của bác sĩ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ. 

Dùng thuốc xịt mũi chứa Corticoid suốt 1 năm, trẻ phù mặt, rậm lông - Ảnh 3.

Cha mẹ không tự ý cho còn dùng các thuốc chứa Corticoid (Bệnh nhân suy tuyến thượng thận sau khi dùng thuốc xịt mũi chứa Corticoid lâu ngày đang được điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy. Ảnh BVCC)

Vì vậy, để tránh tình trạng lạm dụng Corticoid và tránh nguy cơ suy tuyến thượng thận, bác sĩ Sơn khuyến cáo: "Phụ huynh cần hiểu về thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng để biết thuốc có chứa thành phần corticoid hay không. 

Có nhiều tên thuốc khác nhau chứa Corticoid như Medron, Menison, Hydrocortison, Kacor, Prednisolone, Prednisone, Methylprednisolone, Betamethasone, Dexamethasone,… 

Có thể dựa vào kí hiệu tên thuốc có đuôi "sone" ("son") hoặc "olone" ("olon") để nhận biết nhóm thuốc có chứa Corticoid. 

Khi trẻ mắc các bệnh lý như dị ứng, xương khớp, tai mũi họng… cần đến khám tại bệnh viện để được bác sĩ tư vấn, kê đơn. 

Nếu phải dùng Corticoid để điều trị bệnh thì cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ trong liệu trình sử dụng thuốc, tránh lạm dụng thuốc". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem