Đừng trì hoãn bảo hiểm y tế bắt buộc

Thứ hai, ngày 11/10/2010 15:06 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Bảo hiểm y tế (BHYT) phải là BHYT xã hội bắt buộc. Bệnh viện công hay tư, chữa bệnh nội trú hay ngoại trú, bệnh nhẹ cũng như nặng đều phải do BHYT chi trả”.
Bình luận 0

 

GS.VS Phạm Song - Chủ tịch Tổng hội Y học VN, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế góp ý như vậy về vấn đề chăm sóc sức khoẻ trong các Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI.

img
Bảo hiểm y tế bắt buộc sẽ góp phần tạo công bằng trong khám chữa bệnh

Dân không thuận, Chính phủ chịu sao thấu

Thưa giáo sư, ông đánh giá thế nào về "liều lượng" cũng như chất lượng vấn đề y tế trong văn kiện của đại hội lần này?

img
Giáo sư, Viện sĩ Phạm Song

- Cũng như các kỳ đại hội trước, từ yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ đã được chú trọng đề cập trong các văn kiện lần này. Tuy nhiên, văn kiện chưa đưa ra được các giải pháp đột phá để giải quyết những khó khăn, đòi hỏi của công tác chăm sóc sức khoẻ hiện nay.

Nhiều vấn đề được đề cập có phần chung chung, thiếu sâu sắc và đặc biệt là không đưa ra được những mục tiêu cụ thể. Một mục tiêu đưa ra mà không có những con số định lượng; định hướng mà không có giải pháp thực hiện thì sẽ không thuyết phục.

Thưa ông, BHYT được xem là “chìa khoá vàng” để mọi người dân khi bị bệnh đều được khám chữa bệnh. Dự thảo Cương lĩnh Chính trị xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (phát triển, bổ sung năm 2011) có đưa ra mục tiêu đến 2020 sẽ thực hiện BHYT toàn dân. Nếu thực hiện được điều này, liệu sự công bằng trong khám chữa bệnh có thành hiện thực?

- Cương lĩnh nên nói rõ là phấn đấu đến 2020 hoàn thành BHYT xã hội bắt buộc (tôi thêm chữ bắt buộc). BHYT chỉ có giá trị thực sự khi mọi chi phí y tế kể cả nội ngoại trú công và tư đều trả qua BHYT.

"Các báo cáo hiện nay đều đề cập, địa phương xây được bao nhiêu trạm xá, đưa được bao nhiêu bác sĩ về bản. Tuy nhiên, như việc Bí thư Tỉnh ủy đến dự họp; đó chỉ mới là hoạt động, còn hiệu quả của hoạt động là có bao nhiều người dự họp lĩnh hội được ý của Bí thư. Đối với y tế cơ sở, đã đến lúc để chính người dân đánh giá lại hiệu quả của nó" - GS.VS Phạm Song

Hiện nay, giá dịch vụ y tế rất cao. Mổ nội soi, thay van tim, ghép thận, ghép gan, dùng tế bào gốc chữa ung thư máu…, mỗi ca bệnh đó cần chi hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Một người bình thường không đủ khả năng chi trả.

Nếu giải quyết được BHYT xã hội bắt buộc toàn dân thì nút thắt sẽ được tháo ra, ổ khoá sẽ được mở. Việc này có nghĩa là, chúng ta thu tiền của số đông để bù cho số ít người mắc bệnh (khoảng 10%).

Tất nhiên, khi làm cái này sẽ không tránh khỏi những xung đột xã hội, sẽ khó vận động được toàn bộ mọi người hưởng ứng câu "mình vì mọi người, mọi người vì mình". Nhưng chúng ta phải chấp nhận phương án là thực hiện, phát triển trước, rồi tính đến chuyện công bằng sau.

Làm thế nào vừa huy động được đóng góp vừa không để xảy ra những phàn nàn trong nhân dân là một việc rất khó.

Với thực trạng, BHYT luôn có nguy cơ vỡ quỹ, ngành Bảo hiểm xã hội và y tế "đối nhau" chan chát như hiện nay thì có cách gì giải quyết được?

- Đây chính là vấn đề tổ chức thực hiện. Chiến lược tiêm chủng mở rộng trước đây nếu không có đồng chí Đỗ Mười, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đứng ra thực hiện sẽ không làm nổi.

Lúc đầu, số lượng tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi chỉ được 38% năm 1988. Sau khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười trực tiếp chỉ đạo 2 năm, tỷ lệ này đã tăng lên là 80% rồi 90% và giữ vững cho đến ngày nay... Cũng như vậy, đối với vấn đề BHYT bây giờ, tôi nghĩ Thủ tướng Chính phủ phải đứng gia trực tiếp chỉ đạo.

Ở các nước phát triển như ở Đức, họ triển khai BHYT xã hội bắt buộc hàng trăm năm nay nhưng vẫn phải điều chỉnh hàng năm. Ở đấy, những ca bệnh tốn kém như ghép gan hết 1 triệu tiền Đức đều không phải đồng chi trả như phần lớn các nước phát triển vì họ đã đóng 11% thu nhập kể từ khi mới sinh...

Tuy nhiên, sự bình đẳng trong khám chữa bệnh chỉ là tương đối. Vì vậy, ngoài BHYT xã hội bắt buộc phải thành lập BHYT thương mại cho người giàu chữa bệnh theo yêu cầu. Ngoài việc đóng BHYT bắt buộc, vẫn cần các quỹ xã hội, từ thiện để hỗ trợ bệnh nhân.

Xin cảm ơn giáo sư!

"Trong dự thảo Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (phát triển, bổ sung năm 2011), khái niệm XHCN được cụ thể hoá bằng 8 phương hướng. Theo tôi, Đảng cần khẳng định XHCN cần đạt được một định hướng quan trọng nhất là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Muốn làm điều đó, cần xem lợi ích và phát triển con người Việt Nam làm trung tâm, lợi ích dân tộc lành mạnh là tối cao và độc lập toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng. Lấy 3 điều bất biến đó làm chuẩn để kiểm tra việc thực hiện. Lấy kinh tế thị trường làm động lực phục vụ cho 3 điều bất biến đó. Bất kể, chính sách, chủ trương, biện pháp nào, cá nhân nào, ở cương vị nào chậm thực hiện CNXH với nội hàm nói trên đều phải điều chỉnh" - GS.VS Phạm Song
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem