Bảng đánh giá những rủi ro toàn cầu mới nhất của EIU cũng xếp nguy cơ chiến tranh ở Biển Đông ở vị trí thứ 8 trong danh sách các mối đe doạ hàng đầu thế giới hiện nay.
EIU nêu ra một loạt các hành động gây leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua, trong đó có việc mới triển khai tên lửa đất đối không tới Hoàng Sa của Việt Nam, khiến nhiều nước, trong đó có Việt Nam đã lên tiếng phản đối.
Theo phân tích của EIU: “Trong khi Trung Quốc đã sa lầy vào một loạt các tranh chấp biển đảo với các nước khác như Hàn Quốc và Nhật Bản, có mối rủi ro rằng sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua quân sự trong khu vực, và gây ra nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc sự tính toán sai dẫn tới sự leo thang căng thẳng”.
Ảnh vệ tinh ngày 12.3.2016 cho thấy tàu bè Trung Quốc hoạt động trái phép tấp nập tại bãi cạn Scarborough.
EIU nhận định rằng: “Bất kỳ sự tranh cãi xấu đi nào cũng có thể làm tổn hại nghiêm trọng tới mối quan hệ kinh tế trong khu vực, và có nguy cơ gây trở ngại dòng chảy thương mại toàn cầu, có nguy cơ làm suy giảm niềm tin vào kinh tế toàn cầu”.
Trước đó, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Mỹ, Đô đốc Scott Swift cũng cho rằng các hành động xây dựng, cải tạo đảo đá và diễn giải lại luật pháp quốc tế để bào chữa cho các hành động trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm xói mòn các nguyên tắc ứng xử toàn cầu.
Theo ông Swift, tình hình Biển Đông không chỉ đe dọa tự do trên biển mà còn khiến các nước ngày càng sử dụng nhiều tiền của để tăng cường quân sự.
Trong diễn biến khác, Trung Quốc cũng đã hối thúc Nhật Bản không đề cập về những tranh chấp giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) sắp diễn ra ở Nhật Bản vào tháng 5 tới với lập luận rằng đề cập đến vấn đề này có thể sẽ gây phương hại tới những nỗ lực nhằm cải thiện mối quan hệ song phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.