Diễn ra vào ngày 7/9/1812, trận Borodino được coi là trận chiến đẫm máu nhất trong một ngày của toàn lịch sử nhân loại.
Trước khi trận đánh này diễn ra, Napoleon đã xâm lược đế chế của Sa hoàng Alexander bằng một đội quân được coi là lực lượng lục quân lớn nhất từng tập hợp được tại châu Âu thời điểm đó: 680.000 người.
Trong toàn mùa hè, vị hoàng đế Pháp điều đội quân lê dương của mình vượt qua các vùng đồng bằng bụi bặm để thẳng tiến đến Moscow. Sau đó một chuỗi trận đánh cộng với bệnh dịch đã làm giảm phân nửa số binh sĩ Pháp.
Vào tháng 9 năm đó, gần 150.000 lính Nga tập hợp lại để cản bước quân Pháp ở khu vực ngôi làng Borodino cách thủ đô lịch sử của Nga khoảng 120 km. Trận huyết chiến bắt đầu vào đầu giờ sáng ngày 7/9 và diễn ra quyết liệt trong cả ngày hôm đó.
Đến lúc xế chiều, cục diện của cuộc chiến bế tắc. 45.000 lính Sa hoàng bị chết hoặc bị thương. Thương vong của quân Pháp thấp hơn chút ít, nhưng vẫn là con số khủng khiếp: 35.000 người, trong đó có 49 vị tướng.
Napoleon đã thất bại trong mục đích tiêu diệt quân chủ lực Nga và quân đội Nga tuyên bố thắng trận. Dù vậy, vì những lý do chiến thuật, người Nga tự động rút lui để nhường đường cho quân Pháp tiến vào Moscow.
Trong vòng một tuần lễ sau đó, cờ của quân Pháp đã tung bay trên Nhà thờ Lớn Saint Basil ở Moscow. Nhưng người Nga đã thực hiện vườn không nhà trống, đốt thành phố trước khi rút đi.
Hệ quả là, quân Napoleon chỉ kiểm soát một thành phố hoang tàn, trong khi mùa đông đang tới gần và lực lượng Nga tăng viện đang tập trung ở phía Nam.
Trước tình cảnh đó, Napoleon vội hạ lệnh cho quân đội viễn chinh từ bỏ chiến quả và rút về nước. Và cuộc rút lui kéo dài 2 tháng của người Pháp trở thành tấn thảm kịch.
Thời tiết băng giá và các cuộc truy kích của kỵ binh Cossack khiến quân Pháp bị "bào mòn" từng ngày, và chỉ khoảng 100.000 quân thoát được khỏi nước Nga.
T.B (Kiến Thức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.