Federer: Không còn “Ông hoàng" sân đấu, nhưng vẫn là “Vua" kiếm tiền

Thứ ba, ngày 03/09/2013 13:26 PM (GMT+7)
Thất bại trước Tommy Robredo ở vòng 4 US Open sáng nay, khiến Roger Federer chính thức khép lại năm 2013 mà không giành được danh hiệu Grand Slam nào.
Bình luận 0
Những bước lùi trong sự nghiệp vẫn không ngăn cản được khả năng kiếm tiền vô đối của “Tàu tốc hành”.

Thất lại về chuyên môn, nhưng Federer vẫn duy trì được khả năng kiếm tiền siêu việt
Thất lại về chuyên môn, nhưng Federer vẫn duy trì được khả năng kiếm tiền siêu việt

Thực ra, không phải đến tận US Open 2013, Federer mới “thể hiện” sự sa sút trầm trọng về chuyên môn. Từ năm 2011 đến nay, Federer chỉ giành được 1 danh hiệu Grand Slam là chức vô địch đơn nam Wimbledon 2012. Trên bảng xếp hạng ATP, Federer đã tụt xuống vị trí thứ 7, thấp nhất trong vòng một thập kỷ trở lại đây.

Trước cuộc đối đầu với Robredo ở vòng 4, Federer sở hữu thành tích 9 lần liên tiếp lọt vào tứ kết US Open, trong đó có chuỗi 5 lần đăng quang liên tiếp (2004-2008). Không những vậy, tay vợt người Thụy Sĩ còn áp đảo hoàn toàn đối thủ người Tây Ban Nha về thành tích đối đầu khi thắng tuyệt đối 10 lần so vợt trước đó.

Tuy nhiên, Robredo đã chứng tỏ rằng, Federer bây giờ chỉ còn là “huyền thoại sống” về bộ sưu tập danh hiệu chứ thời hoàng kim của anh đã qua từ lâu. Chỉ sau 144 phút thi đấu, Robredo đã hạ gục Federer sau 3 séc trắng với tỉ số lần lượt là 7-6 (7-3), 6-3 và 6-4.

Hầu hết các chỉ số chuyên môn ở trận này cũng nghiêng về Robredo khi anh có nhiều cú ace hơn (6-5), tỉ lệ giao bóng 1 trong sân tốt hơn (70%-60%), tốc độ giao bóng cao nhất trội hơn (129 dặm/giờ-125 dặm/giờ), tỉ lệ ghi điểm trên lưới nhiều hơn (65%-62%), ghi nhiều điểm break hơn (4-2), ít lỗi tự đánh hỏng hơn (26-43) và có tổng điểm thắng nhiều hơn (110-101).

Cứ với đà này, khả năng Federer tiếp tục tụt hạng là hoàn toàn có thể xảy ra. Thực tế, việc Federer không còn duy trì được phong độ đỉnh cao cũng là dễ hiểu khi anh đã bước qua tuổi 32 và năng lực chuyên môn không đủ để bù lại gánh nặng tuổi tác.

Đấy là chưa kể khát vọng thi đấu của Federer cũng không còn mạnh mẽ như xưa. Nhưng sự tụt hậu về chuyên môn ấy vẫn không đánh bật được ngôi vị số một thế giới về khả năng kiếm tiền (tính riêng môn quần vợt) của Federer.

Bất chấp việc không thể giành được 2,6 triệu USD tiền thưởng cho tay vợt vô địch đơn nam US Open 2013, Federer vẫn bỏ xa “phần còn lại” về mức thu nhập cá nhân.

Tạp chí Forbes đã công bố danh sách 10 tay vợt kiếm nhiều tiền nhất trong năm (từ tháng 6.2012 tới tháng 6.2013) và dẫn đầu chính là Federer với 71,5 triệu USD. Đáng chú ý, trong số tiền này, chỉ có 6,5 triệu USD là tiền mà Federer kiếm được từ các khoản tiền thưởng tại các giải đấu, còn lại là tiền từ các hợp đồng quảng cáo.

Tính sơ sơ, Federer có đối tác Nike trả mỗi năm 10 triệu bảng, Moet & Chandon có hợp đồng tổng giá trị 30 triệu USD, một tour du đấu Nam Mỹ với 6 trận biểu diễn mang về 14 triệu bảng, chưa kể hàng loạt hợp đồng quảng cáo với nhiều thương hiệu khác nhau như Wilson, Credit Suisse, Rolex, Mercedes Benz…

Nhờ thu nhập “khủng” từ quảng cáo, Federer bỏ xa người xếp thứ 2 là “búp bê Nga” Maria Sharapova (29 triệu USD) tới 42,5 triệu USD và dĩ nhiên là hơn nhiều các tay vợt nam xuất sắc nhất thế giới hiện nay như Novak Djokovic (26,9 triệu USD), Rafael Nadal (26,4 triệu USD) hay Andy Murray (14,9 triệu USD).

Tất nhiên, cái gì cũng có lý do của nó. Federer không còn giữ được phong độ đỉnh cao, nhưng anh vẫn là một thương hiệu đầy sức hút nhờ phong thái lịch lãm đậm chất quý ông và lối chơi hào hoa, uyển chuyển. Federer không còn (và khó có thể) bất khả chiến bại nữa, nhưng ai dám bảo anh đã hết thời?
Long Nguyên (Long Nguyên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem