Futsal Việt Nam: Nện nhau, đánh cả trọng tài

Chủ nhật, ngày 03/07/2011 14:21 PM (GMT+7)
Futsal Việt Nam sinh sau đẻ muộn là sân chơi “phủi” của những cầu thủ nghiệp dư. Tiếc rằng chất nghiệp dư đấy ngày càng tăng bởi sự quản lý và tổ chức cũng rất nghiệp dư.
Bình luận 0

Giải Futsal Việt Nam vừa kết thúc tại Huế với chức vô địch của đội Tâm Nhật Minh. Mừng với thành công của đội tân vô địch vượt qua hàng loạt chướng ngại vật nhưng không thể mừng với cách điều hành giải theo kiểu “thả nổi” khiến Futsal rơi vào cảnh cứ hở là “uýnh”.

Lịch sử Futsal ở Đông Nam Á

Futsal được đưa vào Việt Nam cùng thời điểm với các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia… và khởi điểm bằng giải Futsal Đông Nam Á mở rộng năm 1998. Giải đấu đấy Việt Nam không có đội Futsal nên bê nguyên đội Sông Lam Nghệ An đi tham dự sau khi các cầu thủ xứ Nghệ được học gấp luật Futsal và làm quen với giày vải, sàn gỗ.

Trở về từ giải đấu này những nhà làm bóng đá Việt Nam cũng không bận tâm đến Futsal và xem đấy như giải phong trào cứ đến hẹn lại bắt cầu thủ bóng đá sân cỏ có kỹ thuật chuyển sang chơi Futsal. Đấy là lý do có những giải Futsal khu vực bóng đá Việt Nam tăng cường những ngôi sao sân cỏ như Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Tuấn Thành, Lưu Ngọc Mai, Phạm Thị Hà… tham dự đội tuyển Futsal và thua xiểng niểng.

img
Futsal Việt Nam có lúc trọng tài nhận tiền tài trợ của ông bầu đội bóng

Cùng học việc như Việt Nam, Thái Lan thành lập hẳn LĐBĐ Futsal và bộ máy này bắt tay ngay vào việc đầu tư Futsal theo lộ trình của các quốc gia tiên tiến như Brazil, Ý, Tây Ban Nha… Họ nhận và đào tạo cầu thủ chuyên trị Futsal chứ không “bốc” người của bóng đá sân cỏ sang.

Cùng với lên kế hoạch cho những chuyến tập huấn dài ngày ở xứ sở chuyên Futsal… Cứ thế, trong khi Việt Nam chơi Futsal “lai” thì Thái Lan năm 2012 đã tự hào với quyền đăng cai giải Futsal thế giới mà đội bóng của họ nằm trong số những quốc gia phát triển Futsal mạnh của thế giới.

Futsal ta phát triển theo kiểu tự trị và phá nhau

Nói đến Futsal Việt Nam phải kể đến thành công lớn từ CLB Doanh nhân 2030 (TP.HCM) đã khai sinh ra sân chơi phong trào rộng lớn từ vài trăm đội tham dự rồi hoàn thiện dần sân chơi đấy để có nhiều CLB Futsal tên tuổi sau này. Chỉ tiếc rằng sau này những người tâm huyết với cái cúp đấy đã bất đồng với nhau nên “sang nhượng” lại và chuyển tên thành Cúp ô tô Phạm Gia.

Trong khi đó thì Hà Nội ban đầu không phát triển Futsal nhưng phong trào đá sân đất của các cầu thủ dạng “phủi” thì rất hay và tự phát. Họ thực sự là những cầu thủ đường phố để rồi khi nhập vào Futsal đá giải thì bách chiến bách thắng với cái tên Trà Dilmah.

Hà Nội tự hào với lò đá “phủi” sang Futsal có lúc không có đối thủ trong khi TP.HCM thì phong trào rất rộng với các sân sàn gỗ sáng đèn cuối tuần cùng những giải phong trào lớn. Tuy nhiên, những cách quản lý theo kiểu phong trào, tự phát và ít được hỗ trợ chuyên môn đã dẫn đến nhiều bất cập.

Chẳng hạn Cúp ô tô Phạm Gia 2010 giữa hai đội Sanna Khánh Hòa và Tân Hiệp Hưng tại nhà thi đấu Tân Bình từng phải kết thúc sớm ở phút 27 do các cầu thủ Tân Hiệp Hưng lao vào đánh trọng tài hệt như xã hội đen xử nhau.

Còn giải vô địch thì cứ như cái chợ khi mà có mùa trọng tài mặc áo có logo của đội bóng dự giải vì ông chủ đội bóng này cũng nằm trong ban tổ chức và cũng là người chi tiền tài trợ cho trọng tài. Thế nên mới có cảnh cầu thủ thích thì đá, không thích thì bỏ rồi sơ hở là uýnh nhau và uýnh luôn cả trọng tài.

Mới đây, giải Futsal 2011 tại Huế còn có cả cảnh cầu thủ hăm he nhau trong sân rồi ra ngoài cởi áo tẩn nhau khiến công an địa phương phải can thiệp. Thế mà mấy ông phụ trách giải cứ chối leo lẻo rằng không có, rằng đấy là khán giả đánh nhau trong khi ai cũng biết giải đấu đấy không có khán giả.

Ngay cả với những quan chức quản lý Futsal cũng thế. Ai không “thọ” được ở sân cỏ thì bị đẩy xuống Futsal. Và cứ thế Futsal phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm. Nguy hiểm hơn là những người có quyền lực đã tác động vào bóp méo sự phát triển trong sáng của Futsal, trong đó có những ủy viên của liên đoàn cũng là ông bầu của đội bóng.

Giới Futsal biết rất rõ hiện có hai ông bầu đang muốn tạo thế lực, trong đó có người nằm trong liên đoàn. Và chính việc các ông bầu kèn cựa nhau đã tạo ra những thế lực ở Futsal Việt Nam. Điển hình là một ông bầu lập ra đến ba đội bóng, còn một ông bầu thì đổ tiền mua cầu thủ giỏi từ khắp nơi về. Và hai bầu canh nhau bằng cách phá nhau.

Đấy là lý do những giải toàn quốc vừa qua có những bất cập như bốc thăm trước khi các đội đăng ký danh sách. Kẽ hở này đã tạo điều kiện cho việc dồn quân sàng lọc từ đội này sang đội khác để hại nhau. Cầu thủ Futsal thì chỉ bằng đấy người nhưng cứ xào nấu lên theo ý của bầu rồi vào giải hạ nhau bằng đủ kiểu, đủ chiêu.

Theo Pháp luật TPHCM
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem