Gã “tội đồ” được mến mộ

Thứ tư, ngày 11/01/2012 13:30 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông bị cách chức Chủ nhiệm hợp tác xã vì “can tội... đào hoa”; bị trục xuất khỏi địa bàn cư trú vì “can tội... ở lậu”... "Tội" to đến thế, chồng chất thế, vậy mà ông vẫn mạnh mẽ đứng lên, mang bao niềm vui cho người nghèo, kẻ yếu.
Bình luận 0

Ông là Trịnh Xuân Lâm, thương binh 4/4, quê Hoằng Quý, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, hiện là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tiên Sơn (Bỉm Sơn, Thanh Hóa).

img
 

Giấc mơ xe trâu

Năm 1978, rời quân ngũ về quê, bỏ ngoài tai lời khuyên của mẹ "nhà ta là gia đình đảng viên, con đi buôn là bôi nhọ cả gia đình ta đấy", ông lặng lẽ lộn ngược ba lô "xuôi tàu Bắc - Nam". Chặng vào thì mang thuốc lá sợi, vải phíp... chặng ra mang xe đạp, đài mắt trâu, đồng hồ orient...

Bươn chải đến mức tờ quyết định phục viên (phải xuất trình khi mua vé) không còn chỗ cho nhà ga đóng dấu. Rồi rốt cuộc là bị quản lý thị trường tịch thu hàng trắng tay đúng vào lúc vừa hết nhẵn 6 tháng gạo tiêu chuẩn phục viên.

Ông Lâm cười: "Hết tiền, hết gạo là hết đi buôn. Phải rửa tay gác kiếm về quê làm ruộng. Ấy thế mà hay, ngay lập tức tớ được bầu làm Đội phó, rồi Đội trưởng sản xuất của HTX. Sau được tín nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán.

Khi đang ấm thân ở cái chức Chủ nhiệm HTX kiêm Phó Bí thư Xã đoàn, thì can tội "đào hoa" với cô thư ký đội sản xuất của HTX, tớ bị cách chức. Tiếp đó, nhà bị siết nợ vì bể hụi trong "cơn lốc hụi" Nga Sơn năm 1989. Trắng tay. Bạc mặt. Tức khí, tớ bốc cả gia đình lên thị xã Bỉm Sơn kiếm ăn độ nhật qua ngày”.

Việc đầu tiên ông Lâm làm để kiếm gạo nuôi con vào cái năm 1990 đáng nhớ ấy là vào nhà máy xi măng mót xi măng rơi và gom sắt vụn. Sau thấy có nhiều người quét mót nhặt nhạnh giống mình, ông quay ra làm đại lý thu mua cả 2 thứ. Biệt danh "Lâm phế thải", “Lâm sắt vụn”, ra đời từ độ ấy.

Ước mơ cháy bỏng của ông mỗi khi kéo chiếc xe cải tiến chất đầy xi măng rơi, sắt vụn giữa trời nắng chang chang là: Giá mà có được cái xe trâu, thân mình sẽ đỡ khổ hơn trâu. Tuy nhiên, số phận và sự cần cù nhẫn nhục đã giúp ông "đốt cháy giai đoạn xe trâu" tiến thẳng lên cơ giới hóa. Ấy là khi đã có số vốn kha khá, ông tậu luôn ô tô tải, chở xi măng, sắt vụn lên Thái Nguyên với phương châm "mua tận gốc, bán tận ngọn".

Chỉ trong vòng 3 năm cặm cụi mót xi, nhặt sắt, ông đã xây được căn nhà to đùng ở thị xã Bỉm Sơn, khiến thiên hạ “ngứa mắt”. Thế là trong phúc có họa. 3 năm liên tục, ông bị chính quyền sở tại ban lệnh trục xuất hàng chục lần, vì "can tội" ở lậu không hộ khẩu, mặc dù ông đã nhiều lần xin được đăng ký tạm trú. Song, đau hơn là cả mấy đứa con của ông cùng lúc bị đuổi học.

Đau! Uất! Ông tìm đến nhà thầy hiệu trưởng làm việc. Chén anh chén chú với nhau, ông mới thủng chuyện. Việc đuổi học các cháu không phải chủ trương của nhà trường mà là của HĐND phường sở tại, bởi lý do "con nhà buôn lậu, ở lậu thì không thể học hành tử tế được".

Sau một hồi thương thảo, ông hiệu trưởng và ông cựu chiến binh đã thỏa thuận "hợp đồng miệng" với nhau: Thôi thì cứ lặng lẽ lờ đi, để cho các cháu nó học. Trẻ con không có tội gì cả! Và mấy đứa con suýt thất học của ông đều học hành rất tử tế, 3 đứa đoạt giải cấp tỉnh, 2 đứa đoạt giải quốc gia!

Còn bố của lũ trẻ ấy thì vài năm sau đó đã đứng ra thành lập Công ty Tiên Sơn. Đến năm 2003, ông lại xin thành lập Chi bộ Đảng tại công ty này. Cái tin ông xin thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên trong khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở thị xã Bỉm Sơn (và cả ở Thanh Hóa nữa) khiến dư luận ở Bỉm Sơn xôn xao: Té ra ông "vua phế thải", "vua sắt vụn" Trịnh Xuân Lâm là đảng viên cộng sản!

Chủ của 3.000 lao động

Công ty Tiên Sơn được thành lập năm 1995, với vốn liếng ban đầu là 500 triệu đồng và 10 lao động. Ngành nghề khởi nghiệp là đá mạt trộn xi măng rơi đúc gạch làm vật liệu xây dựng. Năm 2000, Tiên Sơn liên kết với Công ty Giấy Bãi Bằng mở xưởng đóng xén vở học sinh. Năm 2002, mở xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ rồi năm 2006 mua lại Nhà máy may công nghiệp của Công ty CP May 40 Hà Nội khi nhà máy này đang ở bờ vực phá sản…

img
Người lao động làm việc tại Công ty Tiên Sơn.

Bây giờ thì Công ty Tiên Sơn đã trở thành một Tổng Công ty hùng mạnh nhất ở thị xã Bỉm Sơn, từng đoạt Cúp Vàng chất lượng, Thương hiệu hội nhập WTO 2009-2010, một trong 500 thương hiệu hàng đầu Việt Nam - 2009-2010, giải thưởng quốc tế "Thiên niên kỷ mới" do Câu lạc bộ Các nhà doanh nghiệp hàng đầu thế giới bình chọn năm 2010...

Tiên Sơn hiện sở hữu hơn 3.000 lao động, hoạt động trong nhiều lĩnh vực: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, may công nghiệp, vận tải, san lấp mặt bằng, xây dựng cơ bản, vận tải, nhà hàng, khách sạn… Tổng giá trị sản xuất hàng hóa từ 158,8 tỷ đồng (năm 2008) đã lên tới 400,6 tỷ đồng (năm 2010).

Nhìn bản đồ xuất khẩu và biểu đồ gia tăng tổng giá trị sản xuất hàng hóa của Tiên Sơn, tôi ngạc nhiên tự hỏi: Một anh nông dân học mới hết lớp 3, chỉ quen cầm cày, cầm cuốc và cầm súng, đã tự học cách chi đó mà có thể xây dựng nên một doanh nghiệp đa năng và mạnh mẽ đến như thế? Tại sao từ một kẻ “tội đồ”, ông được nhiều người mến mộ vậy?

Gặp gỡ người lao động của Tiên Sơn, ở đâu tôi cũng bắt gặp niềm vui. Hầu như 100% công nhân đều xuất thân từ nông dân, trong đó 70% là cựu chiến binh, cựu quân nhân và con em thương binh, gia đình liệt sĩ. Câu chuyện thú vị với công nhân ở đây là có rất đông con em nông dân của xứ Thanh phải "tha phương cầu thực" ở các khu công nghiệp phía Nam nhiều năm qua đã lũ lượt kéo về quê đầu quân cho Tiên Sơn.

Chị Phạm Thị Thủy, 37 tuổi, quê xã Hà Châu (Hà Trung, Thanh Hóa) kể: Trước đây, chị là công nhân Công ty May Nhà Bè, TP.Hồ Chí Minh. Thu nhập mỗi tháng chỉ được 2,5 triệu đồng, giá cả đắt đỏ, lại phải trả tiền trọ, nên cuộc sống tùng tiệm eo hẹp lắm. Nay về làm ở Tiên Sơn, lương tháng 3,5 triệu đồng, ăn nghỉ ở nhà mình nên xông xênh lắm. Nhưng thích nhất là không phải chi 4 - 5 triệu đồng, bìu díu con cái về thăm quê mỗi năm.

Anh Lê Duy Hà quê ở phố Giắt (Triệu Sơn, Thanh Hóa) tâm sự: Trước đây, anh học thiết kế thời trang, đã làm cho Công ty May Việt Tiến 16 năm, hưởng mức lương 5,5 triệu đồng/tháng. Nhưng vì làm xa nhà, đi lại nhếch nhác, tốn kém, anh đã quyết định về quê đầu quân cho Tiên Sơn. Hiện nay, Hà đang trong thời gian thử việc và hy vọng sẽ có thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng khi được ký hợp đồng chính thức.

Nhìn bản đồ xuất khẩu và biểu đồ gia tăng tổng giá trị sản xuất hàng hóa của Tiên Sơn, tôi ngạc nhiên tự hỏi: Một anh nông dân học mới hết lớp 3, chỉ quen cầm cày, cầm cuốc và cầm súng, đã tự học cách chi đó mà có thể xây dựng nên một doanh nghiệp đa năng và mạnh mẽ đến như thế?

Bí thư Thị ủy Bỉm Sơn-ông Tạ Ngọc Phước nhận xét: "Tổng Công ty Tiên Sơn là một doanh nghiệp chăm lo rất chu đáo quyền lợi của người lao động. Hệ thống chính trị ở đây hoạt động rất hiệu quả. Các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Chi bộ Đảng… đều là những đơn vị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Không chỉ chăm lo cho người lao động của mình, Tiên Sơn còn làm công tác xã hội rất tốt; nhận nuôi dưỡng suốt đời 3 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đã xây tặng 16 nhà tình nghĩa, hàng năm còn chi 500 triệu đồng cứu trợ đồng bào bị thiên tai, nghèo khó…

Qua bạn bè ở Bỉm Sơn, tôi còn biết được một chi tiết rất thú vị, rất tình người mà cũng rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Ấy là trong số 16 ngôi nhà tình nghĩa mà Tiên Sơn đã xây cất thì ông Chủ tịch phường Lam Sơn - người đã nhiều lần ký quyết định niêm phong nhà, trục xuất "vua phế thải" Trịnh Xuân Lâm ra khỏi đất Bỉm Sơn 20 năm về trước-cũng nằm trong danh sách được tặng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem