Mới đây, các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) đã phẫu thuật thành công cho 2 cụ "bách niên" bị ung thư đại tràng. Chỉ sau 10 ngày phẫu thuật, 2 cụ đã khỏe mạnh và được xuất viện.
Một bệnh nhân là cụ Nguyễn Văn H, 94 tuổi nhập viện vì đi ngoài phân đen. Tiền sử, bệnh nhân H có tăng huyết áp, đái tháo đường, u phì đại tiền liệt tuyến… Soi đại tràng của người bệnh có nhiều dịch máu đen, đại tràng góc gan có khối u sùi chiếm toàn bộ chu vi, bề mặt xuất huyết, máy soi không đi tiếp được…
Cắt lớp vi tính ổ bụng: Dày thành đại lên không đều, chỗ dày nhất 14mm, trên đoạn dài 48mm, ngấm thuốc mạnh, thâm nhiễm mỡ xung quanh.
Các bác sĩ kết luận, bệnh nhân H mắc ung thư đại tràng. Tuy nhiên, trước khi bước vào đại phẫu, với thể trạng yếu, tuổi cao, nhiều bệnh nền thì cần nâng cao thể trạng cho cụ.
Bệnh nhân được chỉ định truyền khối hồng cầu, điều trị ổn định tình trạng xuất huyết tiêu hóa và nhiễm khuẩn tiết niệu, đường máu, kèm tập phục hồi chức năng hô hấp trước phẫu thuật. Sau đó, bệnh nhân được ekip bác sĩ của Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa thực hiện “Phẫu thuật Bạch Mai”.
Đây là một quy trình thực hiện phẫu thuật nội soi hoàn toàn cắt đại tràng phải kèm cắt toàn bộ mạc treo, thắt mạch máu trung tâm, nạo vét hạch D3 theo tiêu chuẩn phẫu thuật triệt căn ung thư và thực hiện miệng nối trong cơ thể. Quá trình phẫu thuật diễn ra trong 150 phút, lượng máu mất trong mổ không đáng kể.
Sau mổ, bệnh nhân được áp dụng chương trình ERAS (Chương trình tăng cường chăm sóc phục hồi sớm sau mổ): bệnh nhân vận động sớm với sự hỗ trợ của nhân viên y tế và người nhà, ăn lỏng ngay ngày thứ 1 sau phẫu thuật. Bệnh nhân có nhu động ruột vào ngày thứ 2 và tập ăn đặc ngày thứ 3. Và chỉ 10 ngày sau cuộc đại phẫu, bệnh nhân H đã hồi phục hoàn toàn và đủ sức khỏe để xuất viện.
Cùng tuổi “bách niên” giống cụ H, cụ bà Phạm Thị L (*), 94 tuổi cũng vào viện vì đại tiện khó kèm nhày máu. Cụ L cũng mắc chứng cao huyết áp kèm sốt cao 39 độ. Xét nghiệm, chiếu chụp, nội soi phát hiện khối sùi loét nham nhở chiếm gần hết lòng chu vi cách rìa hậu môn 8cm, máy soi không qua được.
Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa, cụ L. được điều trị tích cực: Kháng sinh, hỗ trợ và tập phục hồi chức năng hô hấp, nâng cao dinh dưỡng, bù điện giải. Sau 2 tuần điều trị nội khoa tích cực, tình trạng sức khỏe của cụ L. đã ổn định.
Sau đó, các phẫu thuật viên của Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa đã tiến hành phẫu thuật nội soi cắt đoạn đại tràng sigma, trực tràng, nạo vét hạch D3. Ca phẫu thuật chỉ trong hơn 90 phút với lượng mất máu không đáng kể.
Sau mổ, cụ L tập ăn lỏng và ngồi dậy sớm ngay từ ngày thứ nhất. Ngày thứ hai, bệnh nhân có nhu động ruột và tập đứng với sự hỗ trợ của nhân viên y tế và người nhà. Ngày thứ 3, bệnh nhân được cho ăn đặc.
Ngày thứ 5 sau mổ, cụ L có thể đi lại sinh hoạt nhẹ nhàng như bình thường. Bệnh nhân cũng được áp dụng ERAS thường quy, vận động sớm, ăn sớm và vẫn tập phục hồi chức năng hô hấp để tránh các biến chứng về tim phổi sau mổ.
Bàn luận về kết quả của 2 ca mổ, TS, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan Mật Tụy (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, cả hai bệnh nhân đều là "bệnh nhân siêu cao tuổi” (Super-Elderly Patients - được định nghĩa là những bệnh nhân trên 85 tuổi), có nhiều bệnh lí nặng đi kèm, nguy cơ biến chứng, tử vong rất cao nếu phải phẫu thuật, đặc biệt là đại phẫu.
Do vậy, thông thường phẫu thuật viên cũng như gia đình người bệnh rất e ngại khi quyết định phẫu thuật cho người bệnh siêu cao tuổi, nhiều gia đình người bệnh chỉ chọn biện pháp điều trị giảm nhẹ hoặc thậm chí từ chối điều trị.
"Sau khi thuyết phục 2 bệnh nhân này và thân nhân họ, trước mổ và sau mổ chúng tôi đều đánh giá kĩ lưỡng dinh dưỡng, nguy cơ ngã, khả năng hình thành huyết khối, khả năng hô hấp, vận động, chức năng tim phổi cũng như các bệnh lí đi kèm để có một liệu trình điều trị phù hợp nhất với từng bệnh nhân.
Nhờ đó, các cụ đã phẫu thuật thành công và nhanh chóng khỏe mạnh, được xuất viện", TS Hùng chia sẻ.
Gia tăng ung thư đại tràng ở người cao tuổi
TS Hùng cho biết, có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư đại tràng - trực tràng, trong đó phải kể đến các bệnh lí tiền ung thư, yếu tố di truyền, yếu tố môi trường;
Người bệnh mắc các bệnh lí viêm ruột như viêm loét đại trực tràng, bệnh Crohn, polyp,.. cần được giám sát chặt chẽ;
Các hội chứng di truyền được biết đến sự phát triển của UT ĐTT, chẳng hạn như bệnh polyp đại trực tràng có tính chất gia đình (FAP), hội chứng ung thư có tính chất di truyền (Lynch I và II) chiếm 5%, có quan hệ huyết thống trực tiếp chiếm 20% và các trường hợp riêng lẻ chiếm 75%.
Ngoài ra, lối sống hiện đại, ăn thịt đỏ, uống rượu và béo phì có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư đại tràng - trực tràng cao hơn.
"Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng tỷ lệ gặp ung thư đại tràng tăng lên theo độ tuổi, nguy cơ mắc tăng lên gấp đôi mỗi thập niên của đời người, thường gặp nhưng người trên 50 tuổi.
Ở Mỹ, năm 2014, độ tuổi trung bình ở thời điểm chẩn đoán là khoảng 70 tuổi. Có thể thấy, người cao tuổi mắc ung thư đại trực tràng ngày càng tăng", TS Hùng chia sẻ.
Theo GLOBOCAN (năm 2020), ung thư đại trực tràng (UT ĐTT) là ung thư phổ biến thứ 3 trên thế giới ở cả nam và nữ với hơn 1,9 triệu ca mắc mới và 930000 ca tử vong. Tại Việt Nam, đây là loại ung thư đại tràng là loại ung thư phổ biến thứ 4 ở nam giới sau ung thư gan, phổi và dạ dày; phổ biến thứ 3 ở nữ giới sau ung thư vú và phổi.
Số lượng mắc 2020 là trên 16.400 ca và số tử vong do ung thư đại trực tràng là trên 8200. Dự đoán đến năm 2040 sẽ có 3,2 triệu ca mắc mới và 1,6 triệu ca tử vong do ung thư đại trực tràng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.