Gặp “người đàn bà thép” của làng báo Mỹ

Thứ sáu, ngày 22/06/2012 07:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Chị đã sinh con chưa?”- Jan Hopkins, cựu phóng viên lừng danh một thời của CNN bắt đầu cuộc trò chuyện với tôi bằng câu hỏi gây ngạc nhiên, khi tôi đề nghị bà chia sẻ kinh nghiệm nghề báo đối với một nhà báo nữ.
Bình luận 0

Đó là lần Jan đến Hà Nội đầu năm 2012. Biết bà đến Việt Nam, tôi hồi hộp chờ đợi để được gặp người phụ nữ từng được mệnh danh là “người đàn bà thép trong làng báo Mỹ”.

Tôi dự buổi nói chuyện của Jan về con đường đến nghề báo và những khó khăn gặp phải khi tác nghiệp. Sau buổi nói chuyện, tôi nán lại, chỉ để hỏi bà một câu riêng tư: “Tôi phải làm gì để làm tốt hai việc cùng lúc: Người phụ nữ của gia đình và công việc của một nhà báo nữ?”. Jan đã đặt câu hỏi ngược lại khiến tôi bối rối: “Chị đã sinh con chưa?”.

img
Nữ nhà báo Jan Hopkins với hơn 30 năm lăn lộn trong nghề báo của Mỹ.

Và rồi, vẻ ái ngại đã hiện trên khuôn mặt Jan trong thoáng giây khi bà biết rằng, tôi đã là một bà mẹ hai con. Jan nói với tôi rất ngắn gọn:

“Chúng ta, những nhà báo nữ sẽ luôn gặp khó khăn trong công việc. Khi chị có gia đình, có con, khó khăn đó sẽ tăng lên gấp bội. Có thể chị không trở thành một nhà báo nổi danh vì sự dấn thân cho nghề nghiệp, nhưng hãy cứ tò mò với mọi việc để khám phá chúng, rồi chị cũng sẽ gặp may mắn”.

Jan trao tôi tấm danh thiếp của bà và nói: “Hãy chia sẻ với tôi khi bạn gặp khó khăn”.

Nghề báo - nghề cơ cực

Jan Hopkins đã có ngót nghét 30 năm lăn lộn trong làng báo Mỹ. Bà từng làm ở Đài Truyền hình CBS, ABC và cuối cùng là CNN. Dù trải qua nhiều cơ quan báo chí, nhưng ở CNN, Jan Hopkins mới thực sự nổi bật bởi sự dấn thân cho nghề bằng những buổi phát sóng xuyên đêm. Bà nói trên các bản tin tài chính lưu loát như một nhà nghiên cứu chuyên sâu hơn là một biên tập viên. Để có được điều đó, Jan đã phải thâm nhập thực tế, thậm chí đôi lúc phải cải trang để điều tra vụ việc.

Jan Hopkins trưởng thành trong giới truyền thông Mỹ vào thời điểm mà vai trò của phụ nữ trong xã hội chưa được coi trọng. Để trở thành một phóng viên, bà bị từ chối rất nhiều lần, thậm chí phải làm show từ lúc 8 giờ tối tới 8 giờ sáng ở một đài phát thanh thuộc mạng lưới CBS.

“...cái duyên đã đưa tôi vào nghề và sự “máu lửa” với nghề nghiệp đã biến tôi thành người như vậy”.

Chia sẻ về con đường đến với nghề báo, Jan nói: “Tôi từng không đặt ra mục tiêu trở thành một phát thanh viên truyền hình ở thành phố New Yorrk hay bất cứ một nơi nào khác. Nhưng rồi cái duyên đã đưa tôi vào nghề và sự “máu lửa” với nghề nghiệp đã biến tôi thành người như vậy”.

Năm 1969, tốt nghiệp cao đẳng với tấm bằng hạng ưu về tâm lý học, Jan dành thời gian giảng dạy ở Lakewood, bang Ohio. Sau đó, Jan theo học ngành truyền thông tại Đại học Stanford và lấy bằng thạc sĩ tại đây. Khi đang học truyền thông, Jan làm thực tập sinh với một nhà chuyên sản xuất chương trình phát thanh cuối đêm có tên là Alan Douglas. Những chương trình của Douglas sản xuất tương tự như chương trình phỏng vấn của Larry King của CNN, nhưng diễn ra xuyên đêm và Jan đã học được rất nhiều kinh nghiệm quý báu từ nghệ thuật phỏng vấn của Douglas.

Jan Hopkins nói, bà vẫn nhớ như in quãng thời gian bắt đầu sự nghiệp, đó là những ngày mùa hè nóng bức ở California, khi bà được nhận vào làm thư ký của một trạm phát sóng tư nhân ở Cleveland. Nhưng tại đây, cơ hội để bà phát triển nghề nghiệp không nhiều khiến Jan phải quay về bang Ohio tiếp tục làm việc cho một trạm phát sóng nhỏ khác và cũng chỉ làm việc được trong vòng hai năm. Sau đó, Jan biết thông tin Đài Truyền hình CBS đang tìm kiếm một phóng viên thường trú tại Ohio và Jan đã trúng tuyển.

Những ngày ở CBS, bà đã thể hiện khả năng vượt trội của mình so với đồng nghiệp, nhưng hai năm sau đó, Jan lại giành được một học bổng đi học kinh doanh ở Đại học Columbia. Và đó cũng chính là con đường đưa Jan đến New York và đầu quân cho CNN suốt gần 20 năm.

CNN là nơi giúp Jan Hopkins tỏa sáng trong nghề nghiệp khi bà đã liên tiếp thu thập được vô số giải thưởng như: Giải thưởng Peabody cho chuỗi bài điều tra sâu về thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1987, Giải thưởng Mặt trận, Giải thưởng Janus và Giải Báo cáo điều tra về Câu lạc bộ báo chí Cleveland…

Nổi bật trên trang bìa của mục Business Inside, Jan được giới truyền thông ca tụng như một nhà báo nữ thành công nhất trong lĩnh vực truyền thông kinh doanh. Từ đó, Jan chuyển sang làm quản trị một seri chương trình riêng của CNN mang tên “Quản lý với Jan Hopkins”, “Kinh doanh và kinh doanh”, mục thị trường hàng ngày Street Sweep, đánh giá và tập trung vào thị trường đầu tư…

Chia sẻ kinh nghiệm thành công của những chương trình này, Jan cho rằng, vì đặc trưng của báo hình chính là hình ảnh nên bà chỉ cần tập trung vào hình ảnh, tạo ra câu chuyện … Những sản phẩm báo chí của bà mang tính sáng tạo cao, luôn tươi mới. Tuy nhiên, để có được sự thành công và tiếng tăm trong làng báo Mỹ, Jan cũng đã vượt qua vô vàn khó khăn.

Trong 7 năm trời, bà dùng hình ảnh hình sin để mô tả cuộc sống của mình: Có lúc chạm đáy, có lúc thăng thiên. Bà đã bỏ công việc để rồi tiếp tục học. Có lúc Jan chỉ ngồi từ chập tối tới sáng để đọc những bản tin cho đài phát thanh. Bà làm việc xuyên thời gian suốt 12 giờ, mà trong đêm chứ không phải ban ngày.

Jan đúc kết, bà biết tận dụng, tóm lấy cơ hội và có thêm yếu tố của may mắn.

Không sinh con để thành nhà báo đích thực

Trong câu chuyện mà Jan kể, điều tôi thực sự không thấy đồng tình, nhưng lại rất nể phục sự hy sinh hiếm có của bà đó là khi Jan nói: “Tôi chấp nhận không sinh con để trở thành một nhà báo đích thực”.

Điều đó có nghĩa, Jan đã chọn nghề mà không chọn cuộc sống của một người phụ nữ bình thường. Lần bà đến Việt Nam, luôn bên cạnh Jan trong các buổi nói chuyện, làm việc là một người đàn ông trung tuổi khá hiền hậu với mái tóc đã chớm bạc. Jan giới thiệu, đó là người chồng thứ hai của bà - người đàn ông “chịu được nhiệt” với cường độ làm việc của Jan.

Cả trong cuộc hôn nhân trước và cuộc hôn nhân hiện tại, Jan đều bỏ qua những cơ hội sinh con vì đòi hỏi của công việc. Jan nói: “Khi quyết định chọn nghề là tôi đã từ bỏ mọi đặc ân đời thường đối với mình. Hạnh phúc được làm mẹ, điều đó ai cũng muốn, nhưng nghề báo cơ cực khiến tôi phải bỏ qua những cơ hội đó”. Chính vì chọn nghề và dành phần lớn quỹ thời gian cho công việc nên Jan đã không may mắn với cuộc hôn nhân thứ nhất.

Chồng của bà lúc đó đã không thấy hạnh phúc khi có một người vợ mạnh mẽ và yêu nghề như Jan. Họ chia tay nhau và người đàn ông thứ hai của Jan, dường như đồng cảm hơn với bà. Người ta thường thấy ông luôn sát cánh bên vợ khi xuất hiện ở những nơi bà đến làm việc. Ông luôn lặng lẽ đứng sau bà và chỉ mỉm cười thừa nhận mỗi khi Jan chia sẻ về những khó nhọc khi còn là phóng viên CNN.

Cả trong cuộc hôn nhân trước và cuộc hôn nhân hiện tại, Jan đều bỏ qua những cơ hội sinh con vì đòi hỏi của công việc. Jan nói: “Khi quyết định chọn nghề là tôi đã từ bỏ mọi đặc ân đời thường đối với mình. Hạnh phúc được làm mẹ, điều đó ai cũng muốn, nhưng nghề báo cơ cực khiến tôi phải bỏ qua những cơ hội đó”.

Nhưng Jan cũng phải thừa nhận, nghề báo là “nghề có tuổi”. Khi ở tuổi ngoại ngũ tuần, sức khỏe của Jan không còn cho phép với những ngày làm việc xuyên đêm nữa. Năm 2005, Jan rời CNN và ra thành lập công ty riêng mang tên Tổ chức Jan Hopkins kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ Kinh tế New York.

Ở cương vị mới nhưng không có nghĩa là bà “đoạn tuyệt” với nghiệp làm báo. Công ty của bà chuyên về huấn luyện các đơn vị truyền thông và vạch ra các chiến lược truyền thông cao cấp.

Jan thừa nhận, vài năm trở lại đây, bà mới thực sự có quãng thời gian nghỉ ngơi, không quá bị cuốn vào công việc. Và với Jan, chuyến đi nghỉ Hội An cùng chồng là một trong những kỳ nghỉ đáng nhớ trong đời bà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem