Gây thiệt hại hơn 33 tỷ đồng, 2 cựu Giám đốc Sở Y tế đối mặt khung hình phạt nào?
Gây thiệt hại hơn 33 tỷ đồng, khung hình phạt hai cựu Giám đốc Sở Y tế phải đối mặt
Quang Trung
Thứ ba, ngày 01/11/2022 09:02 AM (GMT+7)
Hai cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ bị cáo buộc gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 33 tỷ đồng. Với số tiền này, 2 người trên có thể đối mặt khung hình phạt nào?
Hai cựu Giám đốc Sở Y tế bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 33 tỷ đồng
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố 2 cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ là Cao Minh Chu và Bùi Thị Lệ Phi về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị can Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Hành trình thành công mới - NSJ Group) cùng 17 người khác cũng bị truy tố về tội danh trên.
Theo cáo buộc, giai đoạn 2015-2019, bị can Nga thành lập loạt doanh nghiệp gồm NSJ Group, Công ty NSJ, Công ty Bình An, Công ty TNHH đầu tư và thương mại MQF... Bà Nga nhờ một số cấp dưới đứng tên pháp nhân nhằm ký các hợp đồng mua bán nội bộ, nâng khống giá thiết bị dự thầu.
Cơ quan điều tra xác định trong các năm 2017-2019, bà Nga và đồng phạm đã thông đồng với nhóm bị can thuộc Sở Y tế Cần Thơ, giúp Công ty NSJ và Công ty Bình An trúng 4 gói thầu với tổng trị giá các hợp đồng gần 90 tỷ đồng. Hành vi thông thầu trái quy định này gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 33 tỷ đồng.
Bộ Công an xác định sau khi tổ chức đấu thầu xong 4 gói thầu, bà Bùi Thị Lệ Phi đã nhận 3 tỷ đồng và nhận 200 triệu đồng cho Sở Y tế từ Hoàng Thị Thúy Nga. Ông Chu nhận 200 triệu đồng của Công ty NSJ.
Đối mặt khung hình phạt từ 10 đến 20 năm
Trao đổi với PV Dân Việt dưới góc độ pháp lý, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội danh hai cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ bị đề nghị truy tố được quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự 2015.
Trong đó, khoản 4 Điều 222 quy định, người nào phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 đến 20 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đây là hình phạt bổ sung.
Như vậy, sau khi bị truy tố, nếu bị chứng minh có tội, với số tiền gây thiệt hại theo cáo buộc là hơn 33 tỷ đồng, 2 cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ có thể đối mặt với khung hình phạt nêu trên.
Về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, bà Thơ cho biết, tội phạm này xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu, xâm phạm vào việc thực hiện chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội.
Đồng thời, xâm phạm công tác quản lý hoạt động đấu thầu các công trình, dự án của Nhà nước. Xâm phạm tới hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh quốc gia.
Theo vị luật gia, để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo phúc lợi xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế, Nhà nước ta đã tích cực huy động các nguồn vốn trong xã hội để thực hiện các dự án đầu tư phát triển, các dự án đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý nguồn vốn, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Đã có nhiều sai phạm liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển, chương trình mua sắm, làm giảm hiệu quả đầu tư của nguồn vốn.
Vì thế, những sai phạm trong hoạt động đấu thầu đã được hình sự hóa nhằm xây dựng cơ sở pháp lý rõ ràng, tạo thuận lợi để xử lý các hành vi sai phạm trong hoạt động đấu thầu, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động này.
Theo cáo buộc, trong các năm 2016 và 2017, bà Nga biết TP Cần Thơ có 4 gói thầu mua sắm về y tế tại Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Tim. Sau đó, bị can này gặp chủ tịch UBND thành phố để nhờ giới thiệu đến Giám đốc Sở Y tế Bùi Thị Lệ Phi và Phó giám đốc Sở Cao Minh Chu (sau này là giám đốc).
Quá trình thỏa thuận, bà Phi và ông Chu đồng ý cho công ty của bà Nga trúng các gói thầu cung cấp thiết bị y tế ở địa phương. Sau khi lãnh đạo sở chấp thuận, bà Nga đã chỉ đạo nhân viên cung cấp cấu hình, thông số kỹ thuật, báo giá khống để Sở Y tế Cần Thơ lập hồ sơ theo tiêu chuẩn, mức giá đã thống nhất.
Các công ty của bà Nga còn đàm phán ký trước hợp đồng mua hàng để đáp ứng tiêu chí hồ sơ mời thầu. Đối với hàng hóa đặc thù, đặc quyền thì ký hợp đồng trước để đảm bảo chỉ duy nhất công ty của bà Nga có hàng hóa tham dự thầu và trúng thầu.
Khi chủ đầu tư lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, bà Nga chỉ đạo cấp dưới liên hệ với nhân viên đơn vị tư vấn để thống nhất, điều chỉnh nội dung hồ sơ theo hướng có lợi. Với các gói thầu đấu thầu rộng rãi, bà Nga sử dụng các công ty thân quen làm "quân xanh" thông thầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.