GDP 9 tháng tăng 6,5%, cao nhất 5 năm qua

Mai Hương Thứ ba, ngày 29/09/2015 09:02 AM (GMT+7)
Tổng cục thống kê sáng nay (29.9) đã chính thức công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng đầu năm nay tăng kỷ lục với 6,5%, cao nhất 5 năm qua (kể từ năm 2010).
Bình luận 0

Với mức tăng 6,5% sau 9 tháng, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có thể nói đang hết sức ấn tượng

Theo số liệu vừa được công bố sáng nay thì tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của của nền kinh tế đạt 6,81% trong quý III. Tính chung 9 tháng, tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%, cao nhất trong vòng 5 năm qua (GDP 9 tháng năm 2010 đạt 6,52%).

img

GDP 9 tháng năm 2010 chỉ đạt 6,52% và sụt giảm liên tục qua các năm 2011 (5,76%), 2012 (4,37%), 2013 (5,14%) và 2014 (5,53%). Trong mức tăng chung 6,50% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,08%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,57%.

Trước đó, ông Nguyễn Bích Lâm-Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho biết, lạm phát 9 tháng đầu năm nay thấp kỷ lục (chỉ tăng 0,4% cộng dồn từ tháng 1 đến tháng 9) đã kích thích tăng trưởng. “CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng thấp có nguyên nhân quan trọng là giá xăng dầu giảm rất mạnh, làm chi phí đầu vào giảm, đây là điểm sáng để thúc đẩy tăng trưởng” - ông Lâm nói.

Cập nhật số liệu mới nhất từ hai đầu tàu kinh tế thành phố Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, cho thấy tăng trưởng kinh tế tốt. Tại TP.Hồ Chí Minh, GDP trên địa bàn thành phố 9 tháng ước đạt 649.499 tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng của 3 năm liên tiếp gần đây. Còn tại Thủ đô Hà Nội, GDP 9 tháng năm 2015 tăng 8,3% so cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm 2013 và 2014 (năm 2013 tăng 7,88%, năm 2014 tăng 7,9%).

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng nhận định: Nền kinh tế Việt Nam đang được hưởng lợi đáng kể từ việc giá năng lượng giảm xuống trong thời gian qua. Điều này đã làm giảm áp lực về lạm phát, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, kích thích tăng trưởng.

Những số liệu gần đây cho thấy chi phí năng lượng giảm xuống đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp trên thị trường. Như số lượng các doanh nghiệp thành lập mới tăng 29%, lên con số 68.347 doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm.

Hoạt động tiêu dùng cá nhân được hưởng lợi đáng kể từ mức lạm phát thấp, qua đó góp phần cải thiện niềm tin người tiêu dùng và cải thiện tình hình việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Một tín hiệu tốt trong thời gian gần đây là việc nhu cầu của thị trường nước ngoài đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang khá ổn định. Bên cạnh đó, các dòng vốn đang chảy nhiều hơn vào Việt Nam, cho thấy nhiều nhà đầu tư xem Việt Nam là một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết tổng số vốn FDI cam kết đầu tư vào Việt Nam đã tăng 53% trong 9 tháng qua.

Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra nhận định tăng trưởng Việt Nam có thể có sự bứt phá trong nửa cuối năm nay do được củng cố bởi 3 yếu tố: gia tăng tiêu dùng, công nghiệp sản xuất hướng tới xuất khẩu cũng như dòng vốn FDI tăng trưởng đáng kể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem