Tôi không ủng hộ ghen cuồng hay đánh ghen ì xèo. Tôi ủng hộ ghen có văn hóa, ghen trong an ninh trật tự. Lúc ghen cũng phải “nên nết” mới mong kéo được chồng/vợ về. Tôi đã nhiều lần can thiệp khi các bà vợ đi bắt ghen, giúp các bên giữ một hành lang an toàn, để người vợ không đơn độc trên hành trình bảo vệ hôn nhân, đồng thời đánh động để ông chồng hồi tỉnh, quay đầu. Trong một số trường hợp, có thể lập biên bản theo luật định để có căn cứ bảo vệ người bị phản bội.
Ảnh minh họa
Hậu bắt ghen là quan trọng nhất, tôi trực tiếp khuyên nhủ các ông hồi tâm chuyển ý, muộn nhưng còn kịp; đồng thời hướng dẫn các bà vợ cách chung sống và giữ “hàng dễ vỡ” của mình. Bị các ông rủa là chuyện thường, thậm chí còn bị gieo tiếng oán nhưng hầu hết các trường hợp tôi giúp đều giữ được mái ấm. Có ông chồng còn mời tôi dự tiệc kỷ niệm 15 năm ngày cưới.
Trực tiếp giải quyết những vụ đánh ghen, tôi nhìn thấy trách nhiệm của mình trong việc góp phần giữ gìn sự bình an của nhiều gia đình. Vì, một khi giá trị gia đình bị phá vỡ, hàng loạt tai ương, bi kịch, tội phạm kéo theo.
Người ta an ủi rằng “chồng của mình vẫn là chồng của mình, rồi sẽ về với mình, khỏi cần ghen”. Còn lâu! Đàn ông vốn mê của lạ, mê nhưng cứ cố giấu, cố chối, không dễ “bắt tận tay day tận mặt”. Ăn vụng biết đến bao giờ mới nhả? Lại có những kẻ thứ ba đeo như “đỉa đói”, sẵn sàng "cho không biếu không", chặt dạ níu giữ chồng người.
Bảo người vợ đợi thì đợi đến bao giờ? Đàn ông Việt Nam không có ý thức mang bao cao su, lại luôn đánh giá bạn tình là “sạch”. Đến một ngày, chồng về với vợ, “của đính kèm” là đủ thứ bệnh tật thì sao? Lại có người cố gắng chịu đựng rồi mất ngủ, trầm cảm, thậm chí phát điên. Đàn ông ăn vụng, chùi mép kiểu gì, vợ cũng “lãnh đạn”. Bởi vậy, cần sớm phanh phui sự thật để bỏ hết, làm lại từ đầu.
Người ngoài nhìn vào đừng phán xét người trong cuộc đang “ghen bóng ghen gió”. Thực ra, nạn nhân đủ nhạy cảm để biết mình đang vuột mất điều gì. Thái độ của đối phương từ nồng nhiệt, chân tình dần chuyển sang lạnh nhạt, né tránh, rồi cài mật mã điện thoại, đi trễ về sớm, tiền bạc thất thoát và 1.001 hành động quái dị, “xin lỗi hiểu hổng nổi” khác. Các bên đều mệt mỏi.
Bản chất của tình yêu là sở hữu, huống chi đã là vợ chồng, đã được họ hàng chứng giám, được pháp luật công nhận, bảo sao dễ dàng dâng chồng cho “địch”? Không ghen là buông xuôi để gia đình “rơi tự do”. Chính kẻ đang ngoài chồng ngoài vợ cũng trông chờ “nửa kia” phát giác cuộc tình thầm lén đó để có động lực kết thúc. Tôi đồng cảm sâu sắc với sự ghen. Ghen là một mệnh lệnh của con tim, một phần không thể thiếu của hôn nhân và vì sự bền vững của hôn nhân.
Ghen nhưng phải đúng lúc, đúng chỗ và trật tự!
(Theo PNO)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.