Giá cà phê nhân hôm nay ở Đắk Lắk đi ngang, tiết lộ kỹ thuật tạo hình bàn tay với bướu sinh cành

Duy Hậu Thứ hai, ngày 24/01/2022 12:36 PM (GMT+7)
Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay đi ngang kể từ khi giảm 300 đồng/kg vào cuối tuần trước. Những năm qua, một kỹ thuật mới trong trồng cà phê đó là tạo hình bàn tay với bướu sinh cành trên cây cà phê đang được nông dân tiếp nhận và áp dụng.
Bình luận 0

Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay 39.900 đồng/kg, nông dân "bảo nhau" dùng phân hữu cơ

So với cuối tuần trước, giá cà phê nhân Đắk Lắk không biến động. Hiện giá cà phê Robusta tại Đắk Lắk vẫn được mua ở mức 39.900 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta Đắk Lắk đi ngang, chuyên gia chia sẻ kỹ thuật tạo hình bàn tay với bướu sinh cành - Ảnh 1.

Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay đi ngang. Ảnh: Duy Hậu.

Tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê Robusta được mua thấp hơn Đắk Lắk 800 đồng/kg, đạt mức 39.100 đồng. Các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông- 3 vùng trọng điểm cà phê Robusta còn lại của cả nước, giá cà phê Robusta cũng được mua thấp hơn Đắk Lắk 100 đồng/kg.

Trước tình trạng giá phân bón tăng cao, để chuẩn bị tái đầu tư cho vụ mới, nông dân "bảo nhau" dùng phân hữu cơ để tái đầu tư.

Ông Lê Văn Lai (xã Ea Drơng, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) nói: "Phân bón tăng giá đột biến nên dù giá cà phê ở mức "chấp nhận được" song thu nhập của gia đình chẳng đáng kể. Năm nay, gia đình tôi quyết định giảm bớt phân bón hóa học, tăng phân bón hữu cơ cho cà phê".

Giá cà phê Robusta Đắk Lắk đi ngang, chuyên gia chia sẻ kỹ thuật tạo hình bàn tay với bướu sinh cành - Ảnh 2.

Tạo bướu sinh cành cho cây cà phê là một kỹ thuật mới được cho là sẽ giúp cây cà phê cân đối, ổn định sản lượng. Ảnh: Duy Hậu.

Cũng theo ông Lai, không chỉ gia đình ông nhiều gia đình khác tại địa phương cũng đang chuyển hướng canh tác. "Nếu muốn tiếp tục trồng cây cà phê có lẽ đây là giải pháp tốt nhất. Tôi tìm hiểu thì thấy, việc canh tác theo hướng hữu cơ có nhiều thuận lợi. Do đó, tôi đã tìm hiểu và áp dụng các kỹ thuật để biến những phế phẩm nông nghiệp sẵn có thành phân bón cho cây cà phê"- ông Lai nói thêm.

Trên mạng xã hội, trong khi nhiều nông dân bày tỏ suy nghĩ tiêu cực khi giá phân bón tăng cao thì nhiều người ủng hộ việc canh tác theo hướng hữu cơ. Theo những nông dân này, thì giải pháp hữu cơ sẽ là cách giúp nông dân vượt khó trong giai đoạn này.

Một số người còn hướng dẫn nông dân cách tạo ra phân bón hữu cơ từ các phế phẩm nông nghiệp sẵn có như vỏ trấu cà phê, lá cây, rau củ quả...

Chuyên gia tiết lộ kỹ thuật kỹ thuật tạo hình bàn tay với bướu sinh cành

Trong quá trình trồng cà phê, việc tạo hình được xem là một kỹ thuật bắt buộc. Việc này tạo cho cây cà phê Robusta có bộ tán cân đối, khai thác triệt để không gian của mỗi cây, tạo sự cân bằng giữa sinh trưởng và ra hoa đậu quả, ổn định sản lượng.

Giá cà phê Robusta Đắk Lắk đi ngang, chuyên gia chia sẻ kỹ thuật tạo hình bàn tay với bướu sinh cành - Ảnh 3.

Theo tiến sĩ Trí, việc tạo bướu sinh cành sẽ dung hòa được xung đột giữ tạo hình đơn thân và tạo hình đa thân trên cây cà phê trước đây. Ảnh: Duy Hậu.

Tiến sĩ Phạm Công Trí, một chuyên gia trong lĩnh vực cà phê cho biết, trước đây, có hai hệ thống tạo hình cà phê chính đang phổ biến rộng rãi là: tạo hình đa thân thả ngọn (quả thu chủ yếu trên cành cơ bản) và tạo hình đơn thân hãm ngọn (quả thu chủ yếu trên cành thứ cấp).

Nhằm dung hòa sự xung đột kỹ thuật giữa tạo hình đơn thân và tạo hình đa thân trên cà phê Robusta, ông và các cộng sự thuộc WASI đã phát triển kỹ thuật tạo hình bàn tay với bướu sinh cành. Hiện kỹ thuật này đã được nhiều nông dân tiếp nhận và từng bước áp dụng vào sản xuất.

Tiến sĩ Trí chia sẻ, trong hệ thống cành cấp (2, 3, 4,…) của cây cà phê thì cấp cành càng thấp sẽ càng khỏe hơn cấp cành càng cao. Thường thì cành cấp 2 khỏe nhất và cho các đốt quả sít nhặt. Việc hình thành và duy trì các bướu sinh cành cấp 2 (cấp thấp) sẽ thuận lợi trong tạo hình, nâng cao và ổn định năng suất.

Việc tạo bướu sinh cành trên cà phê Robusta ưu tiên tạo các bướu trên cành cấp 1 để sinh cành cấp 2 cho bộ tán khỏe và năng suất tốt nhất. Các bướu nên nằm trên cành cấp 1 và cách thân chính 25-35 cm. Bướu ở các cành phía dưới có thể cách thân xa hơn các bướu phía trên.

Nếu các cành cơ bản (cấp 1) không còn khả năng sinh bướu, thì bướu được tạo trên các cành thứ cấp (cấp 2, 3,…). Trên nhiều vườn cà phê kinh doanh tuổi lớn, bởi vì bướu sinh cành đã không còn nằm trên cành cơ bản, mà đã phát triển trên các cành thứ cấp, thì nên ưu tiên định vị bướu sinh cành ở các cấp cành càng thấp càng tốt.

Nếu như không có bướu ưu thế trên các cành hiện tại, thì có thể nuôi chồi vượt sau đó tái tạo bướu sinh cành trên cành cơ bản vừa phát sinh trên chồi được nuôi bổ sung này. 

Với cà phê kiến thiết cơ bản và đầu kinh doanh, việc hình thành các bướu sinh cành cần được lưu ý thực hiện càng sớm càng tốt và ưu tiên thực hiện.

Với cà phê kinh doanh khuyết tán thì để chồi vượt ở vị trí phù hợp. Khi chồi vượt có cặp cành ngang đầu tiên, ta sẽ bấm ngọn và cành phía thân, chừa lại cành phía ngoài để tái tạo cành cơ bản, và hình thành bướu sinh cành trên cành cơ bản này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem