Gia đình mẫu Hà Nội: Trân quý nếp nhà, chuyện học

Minh Nguyệt Thứ năm, ngày 29/09/2016 06:15 AM (GMT+7)
Căn nhà nhỏ ở Times City (Minh Khai, Hà Nội) của ông Đặng Vũ Chí (81 tuổi) ngày nào cũng tràn ngập tiếng cười. Điều đáng để nói là dù đã lên vai cụ cố, nhưng tất cả công việc chính trong gia đình đều do một tay ông Chí lo liệu.
Bình luận 0

Khéo như... ông chăm bà

img

Ông Chí và cuộc sống viên mãn, hạnh phúc với người thân trong gia đình. Ảnh: M.N

Ngoài việc chăm sóc vợ, em gái như tắm, giặt, vệ sinh móng chân, móng tay, dọn dẹp nhà cửa… ông còn đảm nhiệm cả công việc của một người điều dưỡng. Hàng ngày, ông lên lịch tiêm, uống thuốc, quản lý thời gian ăn uống, sinh hoạt một cách khoa học cho cả 3 người. 

Vợ chồng ông bà Đặng Vũ Chí và Nguyễn Thị Hồng Vân, sinh ở làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, rồi ra Hải Phòng lập nghiệp. Ông bà nguyên là giáo viên về hưu. Ông dạy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bà là giáo viên mẫu giáo Nhà máy Len- Hải Phòng. Ông bà sống cùng người em gái của ông (72 tuổi) bị chậm trí tuệ. Người xưa có câu “con chăm cha không bằng bà chăm ông”, ấy vậy nhưng nếu ai có dịp thăm gia đình ông Chí thì sẽ thấy điều ngược lại. Chăm người thường đã khổ, ở đây ông lại chăm toàn người ốm. Hai ông bà và cô em gái đều mắc bệnh tiểu đường, nên việc duy trì chế độ ăn uống, thuốc men gặp nhiều khó khăn.

Tiếp tôi tại căn nhà nhỏ ở Minh Khai (Hà Nội), ông Chí hồ hởi kể: “Ngày nào cũng vậy, cứ 6 giờ, sau khi vợ và người em gái làm vệ sinh cá nhân thì tôi cho uống thuốc, tiêm thuốc rồi ăn sáng. Sau đó tôi ngồi tự học tiếng Pháp, đến 11 giờ thì dọn cơm ăn trưa, rồi rửa bát, nghỉ ngơi 1 tiếng. Chiều cũng như vậy, nhưng có hôm thì cho các bà ấy đi dạo, đi uống nước. Các con giúp chúng tôi vòng ngoài, mua sắm, thuốc men, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa… Còn lại tôi làm, từ cắt móng tay, vệ sinh cho vợ, cho em gái”.

 Ông kể, trước kia ông từng bôn ba nhiều nơi, đi học tại Trung Quốc, rồi về dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội, sau đó về Hải Phòng dạy học, đi làm phiên dịch tiếng Anh cho Nhà máy Đóng tàu Phà Rừng- Thủy Nguyên... Sau khi ông  bà nghỉ hưu 5 năm thì chuyển lên Hà Nội để được gần con cháu.

Nói về người vợ của mình, ông nhìn bà trìu mến, hạnh phúc. “Tôi may mắn vì lấy được bà ấy. Trước đây bà ấy đẹp lắm, cũng là hoa khôi cơ đấy. Tôi đi công tác chẳng giúp được gì nhiều, bà ấy một tay dạy dỗ, chăm sóc 5 đứa con ăn học thành người. Giờ già ốm yếu nên tôi phải có tránh nhiệm chăm sóc” – ông chia sẻ.

 Ngoài việc chăm sóc vợ, em gái như tắm, giặt, vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa… ông còn đảm nhiệm cả công việc của một người điều dưỡng. Hàng ngày, ông lên lịch tiêm, uống thuốc, quản lý thời gian ăn uống, sinh hoạt một cách khoa học cho cả 3 người. “Mỗi ngày, ngoài việc uống thuốc, tôi và bà ấy (vợ ông Chí) còn phải tiêm 4-5 mũi. Nếu thuê người ngoài tiêm tốn kém lắm, vì vậy, tôi tự tiêm cho cả hai” – ông Chí kể. Trước đây ông bà ở cùng vợ chồng con út ở Thái Thịnh (Hà Nội), nhưng sau đó lại tách ra ở riêng. Giải thích vì lý do không muốn sống cùng gia đình các con, ông tâm sự: “Mặc dù đông con cháu, nhưng vợ chồng tôi không muốn lệ thuộc vào con cái. Chúng tôi vẫn muốn sống tự do. Mặc dù vậy, gia đình lúc nào cũng đoàn kết, san sẻ cùng nhau. Các con của tôi đều có gia đình riêng, có cháu nội, cháu ngoại, nên cũng phải lo cho gia đình của mình”.

Nếp nhà – sự học

img

Ông Chí chăm sóc vợ rất chu đáo. Ảnh: M.N

Mặc dù việc vặt khá nhiều, sức khỏe lại hạn chế, nhưng ông Chí vẫn sắp xếp rất khoa học. Vì thế, ông thấy không vất vả lắm, thậm chí lại rất vui và khỏe ra.

Lật cuốn sổ học tiếng Pháp, ông khoe: “Đấy mới học được 2 tháng thôi, nhưng tôi đã học xong trình độ A”. Niềm đam mê học tập của ông cũng xuất phát từ chính truyền thống gia đình 4 đời nhà giáo. Đời ông, đời bố mẹ của ông Chí đều là giáo viên, nên thường rất quý trọng việc học.

Hỏi về tài sản lớn nhất cuộc đời ông là gì, ông cười và chỉ tay vào đầu mà khoe với tôi: “Ngoài gia đình, thì đây tài sản lớn nhất của tôi”. Dù ở cái tuổi 81, nhưng ông Chí vẫn chăm chỉ học thêm. Ngoài hai ngoại ngữ chính là tiếng Trung, tiếng Anh, ông Chí còn tự học thêm tiếng Pháp như đã nói. Thời gian rảnh, ông còn dạy học bổ túc tiếng Anh cho một người bạn trong cùng khu chung cư. Với ông, học không bao giờ là già, không bao giờ là muộn. Đây cũng chính là “nếp nhà” mà ông muốn làm gương cho con cháu.  

“Các con tôi vẫn thường nói với tôi là bố già rồi, phải nghỉ ngơi, vợ tôi thì hài hước nói ông già thế còn học để làm vương tướng gì. Nói vậy nhưng tôi vẫn thích học, học để biết thôi” – nói rồi ông cười.

Dù không sống cùng nhau, nhưng các con của ông Chí vẫn rất có trách nhiệm, chia nhau gánh vác công việc. Hai cô con gái ở gần thì lo cơm nước, còn cả nhà (4 anh chị em ở Hà Nội) thay phiên nhau, tối sang ngủ với bố mẹ. Ai cũng có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ, không ai tị nạnh ai.

Tự hào về nếp nhà, chị Đặng Kim Ngân - con gái ông Chí nhớ lại: Hồi ông nội chị còn sống, đã có những câu chuyện rất thâm thúy, chí lý. “Có lần dọn cơm, mâm, bát đầy đủ. Thấy ông nội sai tôi đi lấy chậu nước. Ngạc nhiên, nhưng không ai dám hỏi, mà chỉ nghĩ chắc trước khi ăn phải rửa tay. Anh em tôi rửa tay xong, ngồi đồng loạt ngồi ngay ngắn bên mâm cơm. Sau đó mọi người mới phát hiện là chưa... lấy đũa. Tự tôi được một bài học nhỏ về sự chỉn chu, ngăn nắp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem