Mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo điều tiết giá thịt heo, trước tình trạng "nhảy múa" từ giai đoạn đầu bùng phát dịch Covid-19. Đến nay, giá thịt heo vẫn tiếp tục tăng mạnh. Ghi nhận, giá heo hơi hôm nay 23/4 tiếp tục tăng mạnh lên mức 88.000-94.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá thịt heo tăng mạnh, theo giới quan sát là do lo ngại khan hiếm do dịch tả heo Châu Phi khiến tổng đàn heo giảm mạnh.
Giá thịt heo đang tăng mạnh ở nhiều chợ dân sinh (Ảnh: IT)
Cụ thể, giá heo hơi tại khu vực miền Bắc vẫn duy trì ở mức cao, tăng nhẹ ở nhiều nơi; dao động quanh mức 90.000 - 94.000 đồng/kg, cao nhất cả nước. Trong khi đó, giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên đang được thu mua trong khoảng từ 88.000 - 93.000 đồng/kg. Riêng tại miền Nam, tại một số tỉnh như: Đồng Nai, Bình Phước, TP.HCM, Tây Ninh, Vũng Tàu, Tiền Giang,… giá heo được thu mua với mức 88.000 - 90.000 đồng/kg.
Giá thịt heo tăng mạnh cũng khiến cổ phiếu nhiều DN chăn nuôi, thương mại ngành thịt “bốc đầu” mạnh, bất chấp đà suy giảm của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đáng chú ý nhất trong nhóm này, là mã chứng khoán MLS của Công ty CP Chăn nuôi - Mitraco (UpCOM: MLS). Mở phiên giao dịch hôm nay 23/4, cổ phiếu MLS đang giao dịch ở mức giá 12.300 đồng/CP, đây là mã chứng khoán liên tục tăng trần thời gian qua, từ vùng giá 5.000 - 6.000/CP, MLS hiện đã tăng gấp đôi giá trị, tuy nhiên thanh khoản của mã cổ phiếu này khá bèo bọt, chỉ vài trăm đến 6.000 - 7.000 cổ phiếu trong mỗi phiên.
Mitraco là một trong những DN chăn nuôi có quy mô lớn tại khu vực miền Trung. Kế hoạch cho năm 2020, Công ty dự kiến doanh thu 255 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng thu về 11,5 tỷ đồng. Kết quả này khá khả quan so với mức lỗ ròng gần 11 tỷ đồng trong năm 2019.
Trong phiên giao dịch hôm nay 23/4, cổ phiếu của “ông lớn” ngành chăn nuôi DBC (Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam; HoSE: DBC) đang giao dịch ở mức giá 25.900 đồng/CP. So với mức “đỉnh” mà cổ phiếu này đạt được cách nay vài ngày (28.000 đồng/CP trong phiên giao dịch ngày 17/4), thì cổ phiếu DBC cũng đã sụt giảm khá nhiều. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh (hồi đầu tháng 3/2020), cổ phiếu DBC đã tăng rất mạnh, từ vùng giá 15.000 – 16.000 đồng/CP lên mức giá hiện tại.
Mới nhất, DBC đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2020, theo đó, doanh thu DBC tăng lên 3.268 tỷ đồng, tăng 83% và lợi nhuận sau thuế trên 340 tỷ đồng, tăng 17 lần so với cùng kỳ nhờ sản lượng thực phẩm tăng mạnh.
Cũng có phần “miễn nhiễm” với dịch Covid-19 là cổ phiếu VSN của Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan; UpCOM; VSN). Mở phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu VSN giao dịch ở mức 25.000 đồng/CP, giảm mạnh so với mức giá “đỉnh” được thiết lập cách nay vài phiên khi cổ phiếu này tăng tới 32.000 đồng/CP. Tuy nhiên, tính ra trong suốt mùa dịch Covid-19, cổ phiếu Vissan hầu như không giảm giá so với thời điểm trước dịch.
Lên kế hoạch cho năm 2020, Vissan đặt mục tiêu đạt 5.580 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng khoảng 12% so với năm 2019. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế ước đạt 180 tỷ đồng, giảm khoảng 20%; trong đó ước tính sản lượng thịt heo giảm 12% xuống còn 21.332 tấn, ngược lại dự kiến sản lượng thịt bò và thực phẩm chế biến đều tăng lần lượt 5% và 9%.
Một đơn vị khác là cổ phiếu PSL của Chăn nuôi Phú Sơn (UpCOM: PSL) trong phiên giao dịch hôm nay cũng đang ở mức giá 20.600 đồng/CP, tăng mạnh từ vùng giá 17.000 đồng/CP lên mức giá hiện tại; tuy nhiên thanh khoản của mã chứng khoán này cũng không nhiều, chỉ vài nghìn cổ phiếu/phiên.
Với cổ phiếu MML (Công ty Cổ phần Masan MEATLife; UpCOM: MML), trong phiên giao dịch hôm nay mã chứng khoán này ở mức 53.900 đồng/CP, giảm so với mức “đỉnh” lên tới 59.800 đồng/CP được thiết lập cách nay vài phiên. Tuy nhiên, nếu so với vùng giá 37.000 – 38.000 đồng/CP được thiết lập hồi cuối tháng 3 thì mã chứng khoán này đang tăng khá đều.
Trước đây, Masan MEATLife (MML) có tên là Masan Nutri-Science và trực thuộc tập đoàn Masan, sau đó mới được đổi tên như hiện tại. Theo đó, sau 4 năm, Masan Nutri-Science đã chuyển đổi mô hình kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sang mô hình kinh doanh thịt đóng gói có thương hiệu phục vụ cho người tiêu dùng.
Mới đây, Masan MeatLife đã thông qua việc góp thêm vào vốn điều lệ của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế (Anco) khoản tiền tối đa 500 tỷ đồng.
Anco được thành lập vào năm 2003, chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi. Năm 2015, Công ty được Masan mua lại 70% vốn cùng với Proconco, Anco theo đó thuộc Masan Nutri- Science (đơn vị thành viên được Masan lập cũng trong năm 2015).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.