Tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết phòng khám Nội tiết của bệnh viện trung bình mỗi ngày tiếp nhận thăm khám từ 150 – 180 bệnh nhân mắc bệnh lý đái tháo đường.
Mỗi năm, Bệnh viện Bãi Cháy quản lý điều trị cho khoảng 3.500 bệnh nhân đái tháo đường, số ca mắc mới khoảng 120 bệnh nhân.
Một trong những bệnh nhân đang phải điều trị các biến chứng đái tháo đường tại Bệnh viện Bãi Cháy là bà Lê Thị B (67 tuổi, trú tại TP hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Bà B đã mắc đái tháo đường 25 năm.
Bà đã nhiều lần phải nhập viện điều trị biến chứng của đái tháo đường ở các cơ quan mắt, thần kinh, tim mạch như phẫu thuật phaco điều trị đục thủy tinh thể, can thiệp đặt stent mạch vành điều trị nhồi máu cơ tim. Hiện bà còn bị di chứng tê bì tay chân sau nhồi máu não.
Bà B cũng phải duy trì thực hiện 4 mũi tiêm insuline mỗi ngày theo phác đồ điều trị tiểu đường tại khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Bãi Cháy) để kiểm soát đường huyết, hạn chế biến chứng.
“Đái tháo đường ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của tôi. Tôi rất lo sợ việc bị xây xát vì những vết thương thường khó lành. Đến nay, tôi luôn tuân thủ việc điều trị, không bỏ thuốc và tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ”, bà B chia sẻ.
Tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14/11) vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: "Bệnh đái tháo đường vẫn là một thách thức toàn cầu đối với sức khỏe và hạnh phúc của các cá nhân, gia đình và xã hội.
Sự tăng lên nhanh chóng của việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, lối sống ít vận động, tỷ lệ người béo phì ngày càng tăng và lứa tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa thực sự là một hồi chuông báo động".
Theo bác sĩ Đỗ Doãn Trọng, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy, đa số các bệnh nhân đái tháo đường phát hiện muộn. Thời điểm phát hiện ra bệnh, khoảng 50% bệnh nhân đã có biến chứng đái tháo đường.
Bác sĩ Trọng cho biết, mắc đái tháo đường chậm phát hiện, đường máu không được kiểm soát có thể gây ra những biến chứng mạn tính.
Nếu không thăm khám định kỳ hoặc tuân thủ điều trị, bệnh nhân đái tháo đường rất dễ gặp các biến chứng như: Biến chứng mạch máu nhỏ gây biến chứng võng mạc (đục thủy tinh thể, mù lòa…), biến chứng thận (hội chứng thận hư, suy thận…);
Biến chứng mạch máu lớn: biến chứng động mạch vành gây nhồi máu cơ tim, biến chứng động mạch cảnh gây nhồi máu não; Biến chứng mạch chi dưới gây ra bệnh mạch máu ngoại biên…
Ngoài ra còn những biến chứng khác khiến bệnh nhân tăng tình trạng nhiễm trùng, ngoài da.
“Hiện nay, bệnh đái tháo đường có thể phát hiện sớm hơn do kiến thức về căn bệnh này đã được truyền thông rộng rãi, người dân cũng ý thức hơn về khám sức khỏe định kỳ và quan tâm đến căn bệnh này.
Tuy nhiên đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa ít có điều trị thăm khám thì khi đến viện đã ở tình trạng tiểu nhiều, gầy sút cân, chỉ số đường huyết cao… bệnh đã ở giai đoạn biến chứng cần phải nhập viện điều trị", bác sĩ Trọng nói.
Theo Bộ Y tế, hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng.
Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó 5-7% là tuýp 1.
Đáng nói, hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng với 34% là biến chứng tim mạch; 39,5% biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.
Xu hướng trẻ hóa bệnh nhân đái tháo đường
Theo bác sĩ Trọng, hiện nay, bệnh đái tháo đường cũng có xu hướng tăng ở người trẻ tuổi do chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh, thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh và nước ngọt có gas, stress trong cuộc sống, ít vận động.
"Qua thực tế thăm khám cho thấy, trước đây độ tuổi phát hiện đái tháo đường phổ biến ở người trên 50 tuổi thì hiện nay số người mắc ở độ tuổi 30- 40 tương đối nhiều.
Trong đó, khoa Nội tiết đã tiếp nhận điều trị đái tháo đường cho bệnh nhân còn rất trẻ ở độ tuổi 15 tuổi”, bác sĩ Trọng chia sẻ.
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tại Việt Nam số liệu tích luỹ đến nay có khoảng 1.750 trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 được chẩn đoán ở các bệnh viện nhi lớn trên cả nước. Số ca mắc mới tăng lên rõ qua các năm.
Theo PGS Điển, riêng Bệnh viện Nhi Trung ương đang theo dõi, điều trị cho ngoại trú khoảng 1000 trẻ bị đái tháo đường tuýp 1. Bệnh này dễ nhầm lẫn với các bệnh khác do ảnh hưởng nhiều đến tuần hoàn và tri giác.
Đái tháo đường type 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin. Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng Insulin thì mới có cơ hội sống.
"Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chục năm trước chỉ tiếp nhận khoảng 10 ca mỗi năm nhưng những năm gần đây có hàng trăm ca mỗi năm, có cả trẻ sơ sinh cũng mắc đái tháo đường.
Trong 1.000 ca bệnh viện đang theo dõi, điều trị, chỉ có khoảng 30% ở Hà Nội, đi lại dễ dàng, còn lại 70% ở các tỉnh lân cận.
Mặc dù BHYT hiện chi trả thuốc và vật tư nhưng các bé vẫn phải di chuyển quãng đường xa, ảnh hưởng đến học tập, tạo gánh nặng cho gia đình", PGS Điển cho biết.
Để đề phòng bệnh đái tháo đường và kịp thời phát hiện sớm để được điều trị sớm, tránh biến chứng, TS Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến cáo:
- Người dân cần nhận biết sớm các yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường: tăng huyết áp; rối loạn mỡ máu; thừa cân, béo phì, ít vận động thể lực; chế độ ăn, uống thừa năng lượng; lạm dụng rượu, bia, thuốc lá.
- Thực hiện các hành vi sức khỏe, lối sống lành mạnh trong đó chế độ ăn uống hợp lý, vận động thể lực hàng ngày và áp dụng các biện pháp y tế sớm để giảm thiểu, loại trừ các yếu tố nguy cơ từ sớm.
- Xét nghiệm đường máu định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và tình trạng tiền đái tháo đường nếu có, cần nhớ rằng trong chúng ta hiện có 50% người mắc đái tháo đường không được chẩn đoán.
- Đái tháo đường là bệnh mãn tính, phải điều trị lâu dài tới hết đời, khi đã được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị sớm để đạt hiệu quả tốt, tránh các biến chứng.
Người dân không nên tự điều trị hoặc bỏ điều trị để tránh dẫn đến các sai sót và hậu quả đáng tiếc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.