Điều phải đến đã đến
Thời gian qua, những khoản tiền tỷ của bầu Trường (V.Ninh Bình), bầu Thọ (Navibank.SG), bầu Thụy (Sài Gòn.XT)... thay vì dùng để đầu tư vào đào tạo trẻ có ý nghĩa như cái “móng nhà”, lại được dốc hết vào việc đi đêm chèo kéo cầu thủ, phá giá thị trường chuyển nhượng để làm cái “nóc nhà” cho thật hoành tráng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Thanh-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá SLNA bày tỏ: “Ở Việt Nam, nhiều ông chủ bỏ tiền vào làm bóng đá chủ yếu để quảng bá thương hiệu. Vì vậy, họ thường chi đậm 1-2 năm cố giành Cúp, đạt được mục đích rồi thôi”.
|
Các cầu thủ V.League đang phải đối mặt với tương lai bấp bênh. |
Theo ông Thanh, bóng đá suy cho cùng cũng là một cuộc chơi. Khi kinh doanh phát tài, người ta mới bỏ tiền ra giải trí. Đến khi khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp phải đầu tư tâm sức, tiền của để tồn tại thì chuyện “buông” bóng đá cũng là điều dễ hiểu: “Lúc này, hiếm có ông chủ nào vô tư chi 80-100 tỷ đồng/năm cho bóng đá. Những gì BĐVN đang phải đối mặt là cái giá chúng ta phải trả khi không lường hết được hậu quả của quá trình phát triển thiếu bền vững” - ông Thanh phân tích.
Nỗi lo thất nghiệp
Phía trước, khoản lương 30-40 triệu đồng/tháng cộng với số tiền lót tay bạc tỷ mà những tuyển thủ quốc gia dễ dàng kiếm được 3-4 năm trước chỉ còn là một giấc mơ đẹp: “Tôi nghĩ, trước khi mùa giải 2013 khởi tranh sẽ có biến động. Nhiều khả năng sẽ có ông chủ bỏ V.League bằng cách bán rẻ, sáp nhập với những đội hạng Nhất có nhu cầu lên chuyên.
Một ông chủ rất khó “nuôi” cả đội V.League lẫn hạng Nhất nên một số cầu thủ sẽ phải đi tìm những bến đỗ mới, có thể ở giải đấu thấp hơn… Khi cung lớn hơn cầu, đương nhiên sẽ có không ít cầu thủ thất nghiệp, đối diện với những ngày tháng vô cùng khó khăn. Công tác đào tạo trẻ của BĐVN vốn đã chưa tốt cũng sẽ bị ảnh hưởng khi các phụ huynh bị sứt mẻ niềm tin, không dám cho con mình theo nghiệp bóng đá” - ông Thanh nói thêm.
Một giải pháp được đưa ra là thời gian tới, doanh nghiệp và Nhà nước nên chung tay cùng làm để vượt qua khó khăn. Doanh nghiệp lo đội hạng Nhất, V.League, còn các Sở VHTTDL lo các tuyến trẻ: “Điều này sẽ mâu thuẫn với khuyến cáo của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cũng như lộ trình tiến lên chuyên mà VFF đặt ra (Điều 11 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012 ghi rõ: “Từ mùa giải 2014, các CLB tham gia V.League và giải hạng Nhất phải có trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hoặc học viện bóng đá bao gồm các lứa tuổi từ U11 - U19”-PV). Nhưng chúng ta cần phải thực tế nhìn vào hoàn cảnh kinh tế hiện tại, không thể khác được” - ông Thanh chốt lại.
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.