Trò chơi “mèo vờn chuột”
Các thủy thủ Liên Xô điều khiển tàu ngầm hạt nhân K-314 có lẽ chẳng bao giờ tưởng tượng được rằng họ sẽ đâm phải tàu sân bay Mỹ USS Kitty Hawk ở Biển Nhật Bản vào ngày 21/3/1984. Vụ việc chút nữa đã gây ra hậu quả khôn lường đối với tương lai của Mỹ, Liên Xô và toàn thế giới. Số vũ khí hạt nhân trên cả hai con tàu nếu phát nổ vào thời điểm đó, không chỉ dẫn đến thảm họa về sinh thái mà còn kéo theo cuộc xung đột nghiêm trọng giữa hai siêu cường. May mắn điều đó đã không xảy ra.
Tàu ngầm Liên Xô K-314 sau vụ va chạm với tàu sân bay Mỹ USS Kitty Hawk. Ảnh: Publci Domain.
Tàu sân bay USS Kitty Hawk, chở được 80 máy bay, cùng 8 tàu hộ tống đã đi vào vùng biển Nhật Bản để tham gia cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn có tên gọi “Tinh thần đồng đội-84” (Team Spirit-84) vào tháng 3/1984. Sự xuất hiện của nhóm tàu sân bay hùng mạnh cách không xa khu vực Viễn Đông của Liên Xô đã lọt vào tầm ngắm của Bộ chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô. Ngay lập tức tàu ngầm hạt nhân K-314 được giao nhiệm vụ theo dõi hoạt động của nhóm tàu sân bay này.
Ngày 14/3, tàu K-314 đã tiếp cận được với tàu sân bay Kitty Hawk và cuộc rượt đuổi bắt đầu. Tuy nhiên, người Mỹ sớm nhận ra rằng họ đang bị theo dõi và cố gắng làm những gì có thể cắt đuôi tàu của Liên Xô. Trò chơi “mèo vờn chuột” này kéo dài trong một tuần, cho đến khi vụ việc bất ngờ xảy ra.
Va chạm bất ngờ
Vào ngày 20/3, do thời tiết xấu, K-314 đã để mất dấu vết của tàu USS Kitty Hawk. Do đó chỉ huy tàu ngầm ra lệnh cho con tàu nổi lên trên khoảng 10m để đánh giá tình hình.
Thông qua kính viễn vọng, chỉ huy tàu ngầm Vladimir Evseenko rất ngạc nhiên khi thấy rằng nhóm tấn công tàu sân bay chỉ cách đó khoảng 4 đến 5km. Đáng báo động hơn nữa là cả tàu sân bay của Mỹ và tàu ngầm của Liên Xô đều đang lao về phía nhau với tốc độ tối đa. Vị chỉ huy này ngay lập tức ra lệnh cho các thành viên điều khiển tàu lặn xuống sâu hơn nhưng đã quá muộn. K-314 và USS Kitty Hawk đã lao sầm vào nhau.
Ông Evseenko, một cựu binh Liên Xô hồi tưởng lại: “Đầu tiên chúng tôi tưởng tháp điều khiển tàu ngầm đã bị phá hủy và phần thân của nó đang bị vỡ ra thành nhiều mảnh. Chúng tôi kiểm tra kính tiềm vọng và ăng ten theo thứ tự. Không thấy có vấn đề gì, cơ chế hoạt động vẫn ổn. Sau đó đột nhiên có một vụ va đập khác ở phía mạn phải. Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu điều gì đã xảy ra và cuối cùng thấy rằng một tàu sân bay đã đâm vào chúng tôi. Cú va chạm thứ hai trúng chân vịt còn cú va chạm đầu tiên rất có thể đã tác động tới bộ phận giữ thăng bằng của tàu ngầm”.
Sau đó, K-314 không có sự lựa chọn nào khác là buộc phải nổi lên mặt nước và bị tàu Mỹ phát hiện. Trong lúc các thủy thủ của K-314 đang chờ đợi tàu cứu hộ đến, máy bay Mỹ đã bay tới để theo dõi từ trên không chiếc tàu ngầm hạt nhân mới nhất vào thời điểm đó của Liên Xô.
Ông David N. Rogers, cựu chỉ huy tàu sân bay USS Kitty Hawk cho biết: “Chúng tôi ngay lập tức phái hai máy bay trực thăng đến để xem có thể đưa ra bất cứ sự trợ giúp nào cho họ hay không, nhưng tàu ngầm của Liên Xô dường như không bị hư hại nhiều lắm”.
Hậu quả
Kết quả vụ va chạm là chân vịt của tàu ngầm Liên Xô bị hư hại trong khi tàu sân bay bị thủng một lỗ lớn ở phần đầu, khiến hàng nghìn tấn nhiên liệu bị rò rỉ ra biển. Rất may, số vũ khí hạt nhân trên cả hai con tàu này không phát nổ.
Tàu ngầm K-314 sau đó được kéo đến căn cứ hải quân gần nhất của Liên Xô. Trên quãng đường di chuyển, K-314 được hộ tống bởi một tàu khu trục Mỹ. Còn tàu sân bay USS Kitty Hawk, sau khi cuộc tập trận Team Spirit kết thúc, đã tới cảng Yokosuka của Nhật Bản để sửa chữa.
Người Mỹ đổ lỗi cho chỉ huy tàu ngầm Liên Xô K-314 về vụ việc này và Bộ tư lệnh Hải quân Liên Xô đã nhận lỗi. Ông Vladimir Evseenko sau đó bị cách chức và bị điều chuyển phục vụ trên đất liền. Tuy nhiên Evseenko không đồng ý với hình phạt đó vì vụ va chạm không gây thương vong đối với các thủy thủ, trong khi tàu ngầm không bị hư hại nhiều. “Thật may mắn, chúng tôi không bị chìm. Chúng tôi thậm chí còn cố gắng xoay sở để đuổi đối phương suốt thời gian dài”, ông Evseenko nói.
Hồng Anh (VOV)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.