Giải ngân vốn đầu tư công chậm, Lâm Đồng sẽ xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cản trở giải ngân

Văn Long Thứ ba, ngày 11/06/2024 17:16 PM (GMT+7)
UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở ngành thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trên địa bàn, trong đó yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư cố tình gây khó khăn, cản trở hoặc làm chậm tiến độ giải ngân.
Bình luận 0

Ngày 11/6, tại Hội nghị Giao ban và cung cấp thông tin báo chí tháng 6/2024, ông Hoàng Việt Lâm – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết, cho đến nay, tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh còn rất thấp, mới chỉ đạt 12,2% kế hoạch. Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng mới giải ngân được hơn 974 tỷ đồng trong tổng số hơn 7.900 tỷ đồng theo kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm, Lâm Đồng sẽ xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cản trở giải ngân- Ảnh 1.

Ông Hoàng Việt Lâm - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Hội nghị Giao ban và cung cấp thông tin báo chí tháng 6/2024.

Ông Hoàng Việt Lâm cũng cho biết, UBND tỉnh Lâm Đồng hiện đang đôn đốc các sở ngành, UBND các huyện, thành phố, chủ đầu tư tập trung xây dựng tiến độ, chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư triển khai thực hiện với mục tiêu đến ngày 30/6 đạt tỷ lệ giải ngân từ 50% kế hoạch trở lên, đến ngày 31/12 đạt từ 95% kế hoạch trở lên và đến ngày 31/01/2025 đạt 100% kế hoạch vốn bố trí.

Đối với các dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu ban Quản lý dự án giao thông tỉnh tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư để hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi và các hồ sơ có liên quan theo ý kiến của các cơ quan thẩm định. Bên cạnh đó, phối hợp với các Sở chuyên ngành để bám sát cơ quan Trung ương trong quá trình lấy ý kiến, thẩm định để kịp thời chỉnh sửa để đảm bảo dự án sớm được phê duyệt.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm, Lâm Đồng sẽ xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cản trở giải ngân- Ảnh 2.

Hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công của Lâm Đồng mới chỉ đạt 12,2% theo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Cũng đối với dự án trọng điểm trên, việc thiếu vật liệu xây dựng, đất đắp, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp khai thác đá, cát, vật liệu xây dựng cung cấp cho các công trình. Tránh tình trạng tạo khan hiếm giả để đẩy giá vật liệu, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Đồng thời, phối hợp với các sở ngành, địa phương có biện pháp, phương hướng đối với tình trạng thiếu hụt đất đắp công trình, quy hoạch mỏ vật liệu.

Liên quan đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công rất thấp như hiện nay, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác triển khai, giải ngân vốn đầu tư công; tập trung chỉ đạo với tinh thần quyết liệt, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công của năm 2024.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm, Lâm Đồng sẽ xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cản trở giải ngân- Ảnh 3.

Tỉnh Lâm Đồng đang đôn đốc các đơn vị phải báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hàng tuần.

"UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, TP. Đà Lạt và Bảo Lộc, các chủ đầu tư có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cố tình gây khó khăn, cản trở hoặc làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức suy thoái về đạo đức, yếu kém về năng lực, gây trì trệ, nhũng nhiễu, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công", UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, một số dự án chưa có khả năng giải ngân do đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư như hai dự án xây dựng đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương.

Bên cạnh đó, một số dự án gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng vì người dân chưa đồng thuận về đơn giá, vị trí tái định cư để bàn giao mặt bằng; chưa phê duyệt hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây dựng công trình. Các địa phương còn lúng túng trong việc xác định đơn giá đền bù mặt bằng, chưa có quy định về việc thanh toán chi phí tư vấn khảo sát đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng trong chi phí tổng mức đầu tư dự án nên UBND cấp huyện phải sử dụng ngân sách huyện để thanh toán chi phí tư vấn đối với các dự án do đơn vị chủ đầu tư cấp tỉnh triển khai tại các địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem