Giám đốc tráo người cách ly Covid-19: Đủ yếu tố xử lý hình sự?

Nguyễn Đức Thứ hai, ngày 09/03/2020 21:04 PM (GMT+7)
Sự việc ông L.T.H - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền đánh tráo người cách ly Covid-19 được xác định là sự việc nghiêm trọng, vi phạm pháp luật.
Bình luận 0

Mới đây, ông Đỗ Văn Hùng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị xác nhận 1 trong 4 người mà cơ quan chức năng tỉnh này cách ly khi đi trên chuyến bay VN1547 (có người nhiễm Covid-19) lưu trú tại Thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã bị "đánh tráo".

Theo Công an tỉnh Quảng Trị, người đã thực hiện việc chỉ đạo cấp dưới để đi cách ly Covid-19 thay mình là ông L.T.H, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền. Ông H. đang triển khai một dự án điện gió ở huyện Hướng Hóa.

Khi ra trình diện cách ly, ông H. đi cùng với tài xế của mình. Hiện, 4 người được cách ly trước đó là N.T.L, N.B.S, N.M.Đ, L.T.H (cùng trú tại Hà Nội), kể cả người bị đánh tráo vẫn tiếp tục bị cách ly.

Liên quan đến sự việc nêu trên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hành vi của ông Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền là hành vi đáng lên án, không chỉ ở khía cạnh đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Giám đốc tráo người cách ly Covid-19: Đủ yếu tố xử lý hình sự? - Ảnh 1.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng hành vi đánh tráo người cách ly Covid-19 là đáng lên án.

Dưới góc độ đạo đức, hành vi này là đáng lên án bởi lẽ trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước cùng toàn thể nhân dân đang tập trung nỗ lực để phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì việc một cá nhân cố tình trốn tránh cách ly Covid-19 cũng có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả phòng chống bệnh dịch của Nhà nước.

"Đặc biệt, việc ông L.T.H trốn tránh cách ly Covid-19 có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh cho người khác dẫn đến hậu quả khôn lường, đây là hành vi coi thường sức khỏe, tính mạng của mình, của gia đình và của cộng đồng", luật sư Cường nói.

Dưới góc độ pháp luật, theo luật sư Cường, đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật về giám sát bệnh truyền nhiễm. Cách ly y tế là biện pháp áp dụng với những người nghi nhiễm hoặc mắc bệnh truyền nhiễm để hạn chế làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng đã được quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007.

Giám đốc tráo người cách ly Covid-19: Đủ yếu tố xử lý hình sự? - Ảnh 2.

Khu vực cách ly những người nghi nhiễm Covid-19.

Luật cũng nghiêm cấm các hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của luật này; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Luật sư Cường cho rằng, việc ông L.T.H cố tình trốn cách ly Covid-19 bằng thủ đoạn "đánh tráo" người cần cách ly là hành vi cần phải xử lý nghiêm. Tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra, cơ quan chức năng sẽ xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt vi phạm hành chính, theo điểm b khoản 2 điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi nêu trên có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Mặt khác, điểm a khoản 2 điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ cũng quy định, hành vi vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm như che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Theo luật sư Cường, hành vi nêu trên cũng có đủ yếu tố cấu thành "tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" được quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Tùy theo mức độ, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về "tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem