Giáo dục vùng ĐBSCL: Nhiều nơi thiếu lớp, thiếu thầy và thiếu kinh phí

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 27/02/2023 14:37 PM (GMT+7)
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tại Hội nghị phát triển giáo dục vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ GDĐT tổ chức tại TP.Cần Thơ vào hôm nay 27/2.
Bình luận 0

Ông Luân cho rằng, giáo dục vùng ĐBSCL đang có nhiều "cái thiếu", cụ thể là thiếu trường, thiếu lớp, thiếu thầy, thiếu kinh phí, thiếu phương tiện.

Giáo dục vùng ĐBSCL: Nhiều nơi thiếu lớp, thiếu thầy và thiếu kinh phí - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu tại Hội nghị phát triển giáo dục vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ GDĐT tổ chức tại TP.Cần Thơ vào hôm nay 27/2. Ảnh: Huỳnh Xây

Riêng về thiếu thầy, ông Luân cho hay, thời gian qua, Cà Mau tuyển dụng một số môn không có người.

"Cà Mau có 1.500 vị trí việc làm trong ngành giáo dục chưa tuyển được. Trong năm 2022, mặc dù tỉnh tuyển, huyện tuyển nhưng rất khó khăn, nhất là những môn mang tính đặc thù không có nguồn", ông Luân nói.

Về thiếu kinh phí, tại Cà Mau có nhiều trường kinh phí hoạt động dưới 15%, nhất là các trường địa bàn nông thôn, quy mô học sinh ít.

Cơ sở vật chất còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong 5 năm vừa qua, Cà Mau đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục hơn 717 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nhiều nơi lớp mầm non còn học nhờ phòng học lớp tiểu học, phòng học đáp ứng dạy 2 buổi/ngày chỉ ở mức 58%.

Ngoài ra, theo ông Luân, giáo dục vùng ĐBSCL còn thiếu sự chia sẻ và kết nối do công tác tuyên truyền chưa tốt.

Vì vậy, ông Luân cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn nói trên, Trung ương và các địa phương phải có nhiều nỗ lực, cần phối hợp có hệ thống. Trước mắt, cần phát triển đội ngũ giáo viên có chất lượng, tiếp tục đầu tư sở vật chất đủ chuẩn, mang tính đặc sắc riêng của vùng và cuối cùng là chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục sao cho thật chất, mạnh mẽ, giữ vai trò động lực và tạo được bức phá trong quy mô và chất lượng trong thời gian tới.

Cũng tại hội nghị, ông Trần Quang Bảo - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Kiên Giang cho hay, hiện nay ngành giáo dục tỉnh nhà đang xảy ra tình trạng thiếu giáo viên cục bộ.

Cụ thể, tỉnh Kiên Giang thiếu 1.084 giáo viên, trong đó thiếu 471 giáo viên mầm non, thiếu 202 giáo viên tiểu học (chủ yếu là giáo viên tiếng Anh và tin học), thiếu 265 giáo viên trung học cơ sở, thiếu 146 giáo viên trung học phổ thông.

Giáo dục vùng ĐBSCL: Nhiều nơi thiếu lớp, thiếu thầy và thiếu kinh phí - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội nghị phát triển giáo dục vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ GDĐT tổ chức tại TP.Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo Bộ GDĐT, mục tiêu của ngành giáo dục đào tạo đến năm 2030, vùng ĐBSCL có 75% các cơ sở giáo dục mầm non, 70% các cơ sở giáo dục bậc tiểu học, 80% các cơ sở giáo dục bậc trung học cơ sở và 90% các cơ sở giáo dục bậc trung học phổ thông đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL sẽ đẩy mạnh phát triển mạng lưới trường đại học và mở rộng các trường cao đẳng, dạy nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, ưu tiên đầu tư, phát triển các trường đại học, cao đẳng chất lượng cao, đa ngành, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp; chú trọng các ngành khoa học về y tế, kỹ thuật, công nghệ và kinh tế số.

Để đạt được những kết quả nói trên, Bộ GDĐT đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, trong đó ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo; phê duyệt chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2021-2025, ưu tiên cấp kinh phí từ nguồn ngân sách Quốc gia để phát triển giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó dành kinh phí nhiều hơn cho các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có chỉ số điểm xuất phát thấp so với mặt bằng chung của khu vực và cả nước.

Ngoài ra, ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát triển giáo dục và đào tạo ngoài công lập. Hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục.

Bộ GDĐT đề nghị các địa phương vùng ĐSBCL xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu về giáo dục đào tạo của từng địa phương theo nghị quyết về chương trình mục tiêu quốc gia và chủ động bố trí nguồn vốn đối ứng để triển khai các dự án thuộc chương trình.

Ngoài ra, các địa phương phải đảm bảo bố trí đủ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đào tạo bảo đảm tỷ lệ chi cho con người và chi cho hoạt động chuyên môn đạt tỷ lệ 81/19 theo Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem