Giáo sư Harvard: Mẹ hay bà không phải là người nuôi con thông minh nhất

Chủ nhật, ngày 11/07/2021 07:29 AM (GMT+7)
Dựa trên 15 năm nghiên cứu, các chuyên gia từ ĐH Harvard và Yale đã đưa ra kết luận, những đứa con được nuôi dưỡng bởi những người bố thường có chỉ số IQ cao, việc học tốt hơn, sức khỏe cũng hơn hẳn.
Bình luận 0

Trong gia đình, ai là người nuôi dạy những đứa trẻ trở nên thông minh hơn? Giáo sư Đại học Harvard và Yale chỉ ra, đó không phải mẹ hay bà mà là người bố.

Từ xưa tới nay, đa phần các gia đình Việt hay các quốc gia châu Á nói chung, mẹ vẫn có nhiều thời gian dành cho con hơn bố. Bởi phương Đông quan niệm, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm và chăm sóc con cái.

Thế nhưng các giáo sư từ Đại học Harvard và Đại học Yale, với kết quả của một nghiên cứu kéo dài 12 năm có thể khiến không ít gia đình giật mình: Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi những người cha thường có chỉ số IQ cao hơn. Ngay cả trong một gia đình đơn thân, sự dạy dỗ của người cha có thể giúp trẻ hòa nhập xã hội tốt hơn và có sự phát triển lành mạnh hơn về thể chất và tinh thần so với người mẹ.

Vậy những sự khác biệt khi một đứa trẻ được người cha dạy dỗ so với những đứa trẻ được bà và mẹ dạy dỗ là gì?

Khi nuôi dạy con cái, phụ nữ thường quan tâm đến từng chi tiết, giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ rất khoa học, chỉ cần thời tiết trở lạnh một chút là đứa trẻ đã được mặc áo khoác ngay, không cần phải lo lắng gì cả. Trong khi đó, người bố thường không quá chú trọng vào những điều này, mà cho phép con cái được tự do lớn theo kiểu tự lập.

Giáo sư Harvard: Mẹ hay bà không phải là người nuôi con thông minh nhất - Ảnh 1.

Người bố dễ dạy con đức tính tự lập (Ảnh: Rebecca Lupton),

Khi giáo dục con cái, người bố sẽ để trẻ quan sát và bắt chước theo rồi để chúng tự làm cho đến khi tự mình làm được, chỉ giúp đỡ trong trường hợp cần thiết. Chính nhờ điều này, sự nghiêm khắc của người bố sẽ tạo điều kiện cho đứa trẻ biết tự lập sớm.

Trong khi các mẹ, các bà cũng thường mềm lòng và không muốn con cháu mình phải khổ sở, vì hay xót con cháu nên không muốn chúng tự làm mọi thứ. Người bố lại khác, họ lý trí hơn trong việc giáo dục con cái, nghiêm khắc uốn nắn trẻ khi chúng làm sai. Những người bố xử lý những khủng hoảng trong mối quan hệ cá nhân cũng tốt hơn, vì vậy trẻ có thể tự tin hơn khi ra ngoài xã hội.

Hơn nữa, bố còn giúp con trang bị những kiến thức xã hội và cách tư duy từ bé. Trẻ em được nuôi dưỡng bởi các bà thường không lanh lợi hơn. Bởi suy cho cùng, kiến thức và quan niệm nuôi dạy bà đã lỗi thời, không phù hợp với xã hội hiện đại. Điều này có thể cản trở sự phát triển trí thông minh của một đứa trẻ.

Phụ nữ thường dễ xúc động và mủi lòng khi có con, họ thường sợ con mình thiệt thòi so với những đứa trẻ khác, nên bất cứ khi nào chúng có yêu cầu, liền đáp ứng ngay lập tức. Điều này khiến trẻ hình thành tính cách ỷ lại, khó có thể sống tự lập sau này.

Trong khi đó, người bố có thể mang tiếng "nghiêm khắc" trong việc giáo dục con cái. Tùy theo từng đứa trẻ mà có các phương pháp dạy con khác nhau, nhìn chung, người bố vẫn để con mình tự giải quyết vấn đề của bản thân, ít hay chiều chuộng con cái vô tội vạ.

Tiến sĩ Emyr Williams, Giảng viên cao cấp môn tâm lý tại Đại học Glyndwr (Anh Quốc) tin rằng, so với mẹ, người bố có thể tác động nhiều hơn đối với khả năng đọc và viết của trẻ. Trong thế giới mầm non vốn bị chi phối bởi những người phụ nữ (mẹ, bà, cô giáo...), sự xuất hiện của ông bố sẽ khác hẳn, vì thế họ có nhiều tiềm năng để ảnh hưởng đến việc học tập và giao tiếp xã hội của trẻ.

"Một trong những cách để trẻ học tập và phát triển là bắt chước, sao chép các hình mẫu của người lớn", Williams giải thích. Người bố có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khuyến khích bé trai đọc một cách độc lập. Các bé trai sẽ sớm tự đọc trong khi các bé gái vẫn thích được bố mẹ đọc cho lâu hơn.

"Bố, ông nội, bác trai, cậu, chú... có khả năng thay đổi cách đọc của một cậu bé bằng cách khuyến khích bé đánh giá về các tác phẩm văn học. Điều này có được khi người lớn ngồi cùng con trẻ và bé được nhìn, được nghe những thần tượng của mình đọc", Williams nói thêm.

Tầm quan trọng của đọc sách cho trẻ em đã được ghi nhận trong những năm gần đây. Một nghiên cứu mới đây của Học viện Làm cha (Anh) đã nêu bật tầm quan trọng của người bố đối với khả năng học tập và phát triển của trẻ.

Nghiên cứu phát hiện ra những đứa trẻ được bố đọc sách cho nghe thường xử sự tốt hơn, có khả năng tập trung hơn khi ở nhà trẻ. Bên cạnh đó, khả năng toán học của bé cũng tốt hơn.

Lên 5 tuổi, những đứa trẻ này có vốn từ vựng lớn hơn, chúng có thể chọn từ một cách chính xác hơn và cũng có kỹ năng giải quyết vấn đề hơn.

Giáo sư Harvard: Mẹ hay bà không phải là người nuôi con thông minh nhất - Ảnh 2.

Những đứa trẻ được bố đọc sách cho nghe thường xử sự tốt hơn, có khả năng tập trung hơn khi ở nhà trẻ.

"Người bố thường có xu hướng kỳ vọng cao hơn ở con cái. Nếu họ biết khai thác kỳ vọng đó bằng cách đọc sách, kể chuyện cho con, thể hiện niềm đam mê với từ ngữ, họ sẽ trở thành một tấm gương rất tốt cho con", Adrienne Burgess, Giám đốc điều hành của Học viện Làm cha cho biết.

"Bằng chứng cho thấy khi đọc truyện cho trẻ, người bố có thể tác động lên con cái nhiều hơn. Các bà mẹ có xu hướng gắn chặt vào nguyên tác trong khi các ông bố có thể nói về nhiều điều xung quanh câu chuyện, trả lời những thắc mắc của trẻ đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi để tăng khả năng đọc hiểu của trẻ. Các bà mẹ nên học tập các ông bố ở điểm này", Burgess khuyên.

Với những nghiên cứu trên, có lẽ các ông bố nên quan tâm dành thêm nhiều thời gian đồng hành cùng vợ mình trong chiến lược nuôi con. Bởi, mỗi người đều có vai trò và trách nhiệm quan trọng trong việc uốn nắn, giáo dục trẻ ở những năm tháng con đang phát triển mà không ai có thể thay thế.

Lệ Thu (Tổng hợp) (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem