Giáo sư Mỹ đề cao sự minh bạch của Việt Nam khi kiểm soát dịch Covid-19

V.N Thứ sáu, ngày 24/04/2020 12:09 PM (GMT+7)
Trên trang The Diplomat, Giáo sư Zachary Abuza thuộc Trường Chiến tranh Quốc gia Mỹ ở Washington D.C. có bài viết "Giải thích sự ứng phó thành công và không thành công với dịch Covid-19 ở Đông Nam Á". Ông đề cao cách Việt Nam ứng phó với đại dịch trên cả 4 tiêu chuẩn: Sự lãnh đạo, sự minh bạch, sự hợp pháp và sự chuẩn bị của Chính phủ. Dưới đây là trích dịch bài viết của ông.
Bình luận 0

Giáo sư Abuza - chuyên gia về an ninh Châu Á - cho rằng, một số chính phủ rất chủ động, nhanh chóng đề ra việc xét nghiệm diện rộng, theo dấu người tiếp xúc và cách ly nghiêm khắc dù phải trả giá về kinh tế trong ngắn hạn. Các chính phủ khác hoàn toàn từ chối, coi nhẹ khủng hoảng do lo ngại tác động xấu đến kinh tế.

Theo Giáo sư Abuza, việc ứng phó thành công không liên quan đến thể chế như thế nào. Thành công của một chính phủ trong việc làm phẳng đường cong của dịch là kết quả từ sự lãnh đạo, từ việc quản lý tài năng của chính phủ, cho dù chính thể đó thế nào.

"Không chính phủ nào nên bị chỉ trích vì một đại dịch, nhưng họ cần được xem xét họ ứng phó thế nào" - ông viết. 

img

Poster cảnh báo Covid-19 được dán khắp nơi. Ảnh: Reuters.

Giáo sư người Mỹ phân tích 4 tiêu chuẩn liên quan đến nhau để lý giải nguyên nhân một số chính phủ thành công trong kiểm soát dịch.

Quyền lãnh đạo: Trong khi phải chịu tổn thương kinh tế ngắn hạn, các chính phủ nào kiên quyết, thực hiện các biện pháp rà soát y tế công cộng và theo dõi người tiếp xúc, sẵn sàng đóng cửa việc đi lại cả trong và ngoài nước, đóng cửa các đơn vị kinh doanh không cần thiết, thì đã làm tốt. Đó là trường hợp của Việt Nam và Singapore trong làn sóng dịch đầu tiên. Những nhà lãnh đạo nào ra quyết định dựa trên bằng chứng y khoa và khoa học đã vượt lên đầu tiên. Những nhà lãnh đạo ra quyết định về y tế công cộng dựa trên các tính toán kinh tế và chính trị ngắn hạn đã không vượt lên được tình hình. Họ đã mất thời gian quý giá, và trong đại dịch, với sự tăng trưởng cấp số nhân, thì mỗi ngày đều đáng kể.

Sự minh bạch của chính phủ: Các chính phủ nào giao tiếp với công chúng một cách rõ ràng sẽ có xu hướng nhanh chóng giành được sự tin tưởng của công chúng. Các chính phủ nào thừa nhận những khó khăn, trao đổi về các nguy cơ, nhấn mạnh các nỗ lực giảm thiểu hiệu quả và lên tiếng nhất quán, sẽ làm tốt hơn những chính phủ có nhiều người lên tiếng, hoặc có các lãnh đạo coi nhẹ mối đe dọa, đảo ngược chính sách, coi thường khoa học, tìm kẻ giơ đầu chịu báng và lặp đi lặp lại thuyết âm mưu. Lòng tin lớn hơn dẫn tới sự tuân thủ xã hội lớn hơn trong việc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, ở nhà.  

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam là những hình mẫu về việc truyền thông hiệu quả và sự minh bạch. Cả hai nước mặc dù chỉ có một đảng cầm quyền, nhưng cả hai biết rõ rằng trong các vấn đề y tế công cộng, sự minh bạch và truyền thông là cực kỳ cần thiết.

Việt Nam đặc biệt xứng đáng hoan nghênh, không chỉ vì bài hát rửa tay rất thu hút. Họ đã đi được quãng đường dài. Khi dịch SARS xảy ra năm 2003, Chính phủ Việt Nam ban đầu cũng từ chối các chuyên gia quốc tế, nhưng sau đó Chính phủ đã thay đổi cách tiếp cận và từ đó trở thành một hình mẫu về sự minh bạch và truyền thông hiệu quả. Trong cuộc khủng hoảng này, Việt Nam đã bắt đầu đúng cách.

Sự hợp pháp: Lòng tin của công chúng gắn với một vấn đề khác: Sự hợp pháp của chính phủ. Chính phủ nào có mức độ hợp pháp thấp, dẫn tới mức độ đáp ứng lòng tin công chúng thấp, thì hành động kém hơn. Tính hợp pháp dẫn tới lòng tin của công chúng lớn hơn, và vì vậy dẫn tới sự tuân thủ xã hội lớn hơn khi phải đối mặt với những vấn đề như thiệt hại kinh tế, giãn cách xã hội... Việt Nam và Singapore giành được tính hợp pháp qua hoạt động của mình.

Chính phủ Việt Nam có ít tiền hơn khi thực hiện gói kích thích trên diện rộng. Nhưng mọi người chấp nhận điều đó và sẵn sàng chấp nhận những tổn thương ngắn hạn vì Chính phủ được nhìn nhận nhờ tính hợp pháp và năng lực của họ.

Việc lên kế hoạch và sự chuẩn bị: Đại dịch  Covid-19 không phải sự kiện được gọi là "thiên nga đen" (khả năng thấp, nhưng tác động cao). Nó là sự kiện "hồng hạc", rất rõ ràng, nhưng đã bị các chính trị gia phớt lờ hoặc bỏ qua. Cứ mỗi vài năm sau dịch SARS năm 2003, các nhà dịch tễ học và virus học lại cảnh báo về một đại dịch dễ gây chết người, lây lan nhanh và có thể truyền từ động vật sang người. Điều đó đã được biết đến và rất phổ biến.

Những chính phủ nào được chuẩn bị, kể cả có một kế hoạch ứng phó đại dịch, tích hợp các bài học từ các đại dịch khác như SARS, H1N1, cúm gà, MERS... đã hành động tốt hơn. Những chính phủ nào dự trữ thiết bị bảo hộ cá nhân và duy trì cơ sở hạ tầng vật chất để tiến hành xét nghiệm nhanh và hàng loạt, và theo dấu người tiếp xúc, cũng như đầu tư đủ vào nhân lực ngành y, bệnh viện, phòng khám cấp địa phương, đã làm tốt hơn. Các chính phủ như Singapore đã áp dụng công nghệ để thi hành cách ly và theo dấu người tiếp xúc, đã làm tốt hơn.

Tôi muốn nói rõ sự khác biệt giữa y tế công và lĩnh vực y tế. Lĩnh vực y tế của Việt Nam khá thô sơ. Nhưng họ có y tế công cực kỳ tốt bởi vì nó hiệu quả về chi phí. Việc phòng ngừa chỉ chiếm chi phí rất ít so với điều trị. Xét nghiệm, theo dấu người tiếp xúc, nhiệt kế đều tương đối rẻ so với các phòng cấp cứu có máy thở. Việt Nam đã tiến hành hơn 200.000 xét nghiệm hoặc 2,1 xét nghiệm trong mỗi 1.000 dân, trong khi đến 19/4, Indonesia tiến hành dưới 50.000 xét nghiệm, tức là chỉ 0,15 xét nghiệm mỗi 1.000 dân.

Nhưng đầu tư cho các bệnh viện chắc chắn là quan trọng để cứu mạng người dân. Thái Lan đến giờ làm khá tốt vì họ có hệ thống y tế công tốt như vậy, các bệnh viện đẳng cấp thế giới, và một mạng lưới bệnh viện tỉnh, huyện trên toàn quốc. Chỉ số An ninh y tế toàn cầu chỉ rõ rằng Thái Lan có cơ sở hạ tầng tốt nhất để đối phó với khủng hoảng trong khu vực.

Đại dịch cho thấy, virus không ràng buộc với địa vị, tài sản, sắc tộc, vị thế. Điều quan trọng hơn, cần nhớ rằng y tế công được quyết định bởi mẫu số ít phổ biến nhất. Nếu những người nghèo nhất và bị bỏ lại xa nhất trong một xã hội mà không được bảo vệ, thì không ai được. Đó là bài học mà tất cả các chính phủ cần nhớ nằm lòng.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem