Giật mình roi mây dạy dỗ trẻ được cha mẹ mua rầm rộ trên mạng

Tào Nga Thứ năm, ngày 30/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
"Roi mây thần thánh, bậc thầy dạy con, tổ nghề mọi sách, nuôi dạy trẻ, chinh phục những đứa trẻ cứng đầu nhất"... là lời giới thiệu về chiếc roi mây dạy trẻ được bán trên mạng.
Bình luận 0

Roi mây bán tràn lan trên mạng

Mấy ngày qua, dư luận dậy sóng vụ việc bé gái T.T.V.A. (8 tuổi, TP.HCM) bị "dì ghẻ" đánh đập, bạo hành đến chết. Mọi người tiếc thương cháu bé xấu số bao nhiêu càng phẫn nộ với hành vi nhẫn tâm của Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, vợ sắp cưới của bố bé V.A, trú tỉnh Gia Lai), thái độ thờ ơ trước tội ác của bố bé và lên án cực gay gắt về quan điểm dạy con đòn roi. 

Tuy nhiên một thực tế khiến nhiều người giật mình khi trên mạng xã hội lâu nay rao bán rầm rộ "roi mây thần thánh" dạy dỗ trẻ. Một vật được cho là bạo hành con trẻ nhưng lại được bán công khai và mô tả đầy đủ tác dụng mà nghe xong ai cũng giật mình. 

img
img

Roi mây bán tràn lan trên mạng. Ảnh chụp màn hình

Một chủ shop giao bán roi mây giới thiệu: "Khi ngôn từ không còn có tác dụng, mọi lý thuyết trở nên sáo rỗng thì roi mây xuất hiện. Roi mây tự nhiên được em lấy tại vườn nhà ở Phú Thọ, nguyên bản, không chất tẩy rửa, rất mềm, dẻo ,độ bền cao. Lưu ý roi mây đánh rất đau...".

Hay một lời quảng cáo khác: "Sản phẩm roi mây siêu dẻo dai, bền đẹp, giúp cha mẹ dạy bảo con cái dễ dàng hơn. Kích thước dài 70cm, đường kính 1cm, vừa tầm tay nhất. Trước khi sử dụng bạn nên nhúng qua nước để đảm bảo độ dẻo dai của roi mây".

Điều đáng nói mặt hàng này được xem là sản phẩm "hot", bán chạy trên các sàn thương mại điện tử và rất nhiều phụ huynh hưởng ứng, mua dùng như một phương pháp dạy con khi... không nghe lời. 

Có nên dạy con đòn roi?

Trao đổi với PV báo Dân Việt, Parent Coach Tú Anh Nguyễn cho biết không thấy bất ngờ về chiếc roi mây "thần thánh" này. "Nhiều bà mẹ có con trong độ tuổi lên 2, lên 3 trở lên tìm mua, khi thấy các con có hành vi phản kháng và không vâng lời. Và có lẽ trong cảm giác bất lực hoặc thấy con mình "hết thuốc chữa", họ đăng hình lên nửa đùa nửa thật rằng phải mua món này về để "trị" con", chị Tú Anh cho biết. 

Giật mình roi mây dạy dỗ trẻ được cha mẹ mua rầm rộ trên mạng - Ảnh 2.

Parent Coach Tú Anh Nguyễn. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về việc có nên dạy con đòi roi, chị Tú Anh bày tỏ: "Điều đầu tiên và có lẽ quan trọng nhất là chúng ta cần "xóa sổ" câu nói "thương cho roi cho vọt" vào mọi tình huống nhân danh dạy bảo dưỡng dục con trẻ. Roi vọt và đàn áp bằng bạo lực chỉ thể hiện cho sự bất lực, chứ không nhân danh tình yêu thương nào cả. 

Khi chúng ta có bất bình, bực tức với người lớn khác, tôi tin một người bình thường tỉnh táo có lẽ sẽ không lấy cây lấy roi ra đánh nhau để giải quyết vấn đề. Vậy tại sao ta lại đánh trẻ nhỏ? Trong khi sự thật điều trẻ nhỏ cần là sự hướng dẫn và luyện tập kỹ năng, bảo ban dạy dỗ và những tấm gương tốt về cách cư xử. 

Khi đánh trẻ, chúng ta đang làm gương điều gì cho chúng? Phải chăng là "khi bất lực, có thể dùng bạo lực để giải quyết?". Có lẽ trong số rất nhiều những chủ tài khoản chia sẻ tin tức, tôi tin rằng vẫn có người trong số đó đã từng - đang - hoặc sẽ có lúc cũng dùng đòn roi để dạy dỗ chính con họ. Chỉ mong rằng họ ý thức rõ việc họ đang làm là gì để không lấn qua cái lằn ranh tàn bạo.

Vậy, khi nào thì việc nhân danh dạy dỗ và kỷ luật để đánh con trở thành hành vi bạo hành và độc ác? Đó là trẻ bị thương về thể chất, bao gồm bầm tím, trầy xước rách da, sưng tấy hoặc một tình huống cần chăm sóc y tế. Hình phạt nhằm mục đích gây ra nỗi sợ hãi, khiến trẻ kinh khiếp hơn là để giáo dục đứa trẻ với ý định tích cực. Hành động gây tổn thương là kết quả của những yêu cầu hoặc kỳ vọng vô lý của người chăm sóc đối với trẻ... 

Là cha mẹ, nếu dùng cách đánh để dạy con, hãy tự hỏi bản thân: Tôi có cảm thấy tốt đẹp về hành động và sự việc này không? Tôi đã thật sự dạy cho con được bài học ý nghĩa quan trọng nào không? Con tôi có biết rằng tôi yêu nó không? Tôi có thể hiện sự tôn trọng con và con tôn trọng tôi? Hay chỉ duy nhất có sự sợ hãi? Tôi có đang cư xử theo cách mà tôi muốn con mình bắt chước không? 

Ngoài việc xử phạt nghiêm minh theo pháp luật những hành vi xâm phạm trẻ, tôi tin rằng còn một nhiệm vụ vô cùng quan trọng chính là làm sao phòng ngừa và ngăn chặn những sự vụ tương tự, và điều này cần bắt đầu từ trong chính từng gia đình một. Hãy hỗ trợ cho các bậc cha mẹ để họ có thể nâng cao năng lực làm cha mẹ và nuôi dạy con, bằng cách cung cấp cho họ đầy đủ thông tin và kiến thức liên quan trong trách nhiệm này. 

Rất nhiều vấn đề xảy ra khi cha mẹ bị căng thẳng và stress vì không hiểu rõ giai đoạn phát triển và các nhu cầu của con trong từng thời kỳ. Vì sự hiểu lầm này mà họ có thể nghĩ là con đang "kiếm chuyện" với họ, và họ dần trở nên nóng giận, mất kiểm soát. Cha mẹ cũng cần được biết về các cơ quan dịch vụ hỗ trợ về mặt tâm lý tinh thần và kể cả các nguồn hỗ trợ phúc lợi xã hội. Vì chính những căng thẳng cá nhân, cuộc sống, hay những tổn thương mà họ có sẵn từ trong quá khứ và tuổi thơ không được giải tỏa hay giải quyết, dẫn đến việc họ vô tình làm tổn thương con và xem con là nơi trút giận mỗi khi mất kiểm soát. 

Nếu có được những sự hỗ trợ cho nội tại, cha mẹ sẽ trở nên kiên cường hơn vì họ biết họ được giúp đỡ. Tôi tin là họ sẽ sẵn sàng mở lòng để thay đổi và tiếp nhận kiến thức mới. Là cha mẹ, hãy nhìn nhận vấn đề của bản thân trong cách dạy con để chủ động đi tìm giải pháp hiệu quả".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem