Gìn giữ trang phục truyền thống người Hà Nhì Hoa nơi thượng nguồn Sông Đà

Tuấn Hùng Thứ bảy, ngày 27/07/2024 13:00 PM (GMT+7)
Nếu ai có dịp đến với vùng biên giới xa xôi của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, rất dễ bắt gặp những người phụ nữ Hà Nhì Hoa diện những bộ sắc phục truyền thống đẹp như những bông hoa của núi rừng.
Bình luận 0

Trang phục truyền thống của người Hà Nhì hoa ở huyện Mường Tè, Lai Châu.

Trang phục đẹp mê mẩn của người Hà Nhì ở Mường Tè

Khác với sự đơn giản, nhã nhặn của trang phục người Hà Nhì Đen, trang phục truyền thống của người Hà Nhì Hoa cầu kỳ, sặc sỡ mang đậm bản sắc của người dân tộc nơi thượng nguồn sông Đà.

Trước đây, việc may trang phục chỉ mang tính "tự cung - tự cấp" trong mỗi gia đình, thôn bản. Nhưng đến nay những bộ trang phục truyền thống này đã được những người phụ nữ Hà Nhì thêu may sẵn, tạo thành sản phẩm hàng hoá cung cấp cho những người bận rộn, không có điều kiện tự may vá trang phục cho mình. Đây cũng là một cách làm mới, giúp đồng bào gìn giữ màu sắc truyền thống và để gia tăng thu nhập.

Người Hà Nhì Hoa sinh sống chủ yếu ở những xã vùng biên giới của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cuộc sống quanh năm gắn bó với núi, cây rừng, cho nên những hoạ tiết hoa văn trên trang phục của phụ nữ Hà Nhì đều có những đường nét hình khối mang dáng dấp của núi rừng. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, đến nay trang phục người Hà Nhì vẫn giữ được vẹn nguyên với những hoa văn đặc sắc và màu sắc sặc sỡ, vô cùng ấn tượng.

Gìn giữ trang phục truyền thống người Hà Nhì Hoa nơi thượng nguồn Sông Đà- Ảnh 1.

Những người phụ nữ Hà Nhì Hoa ở huyện Mưởng Tè, Lai Châu tự hào bởi sắc phục truyền thống đẹp như những bông hoa của núi rừng. Ảnh: Thùy Anh

Trao đổi với Dân Việt, ông Mạ Lý Phạ, cán bộ văn hoá xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu cho hay: Trang phục truyền thống của người Hà Nhì, đặc biệt là trang phục nữ, là một trang phục rất độc đáo, hoa văn dựa trên cơ sở là sắc màu của núi rừng. Người Hà Nhì Hoa thì từ xưa đến nay vẫn sống trên những sườn đồi núi, gắn bó với nương rẫy nơi núi rừng, bà con bảo vệ rừng, bám bản, bám biên cương, vì thế trong cách thể hiện hoạ tiết hoa văn có nhiều hình khối núi rừng, tạo thành sự phong phú, gợi cảm và màu sắc sặc sỡ.

Rót chén nước mời khách, ông Phạ chia sẻ, để làm ra một bộ trang phục, phụ nữ Hà Nhì Hoa có khi phải mất đến nửa năm mới hoàn thành. Xưa kia, cuộc sống khó khăn hơn, mỗi người phụ nữ Hà Nhì Hoa chỉ có 1 bộ trang phục để mặc trong lao động sản xuất hằng ngày và 1 bộ trang phục để mặc vào những dịp lễ hội. Ngày nay, khi điều kiện kinh tế tốt hơn, đi cùng với sự vận động xã hội bận rộn hơn, họ không còn nhiều thời gian để may thêu trang phục; cùng với đó là nhu cầu có thêm trang phục để thay đổi, việc thêu trang phục truyền thống cho những người bận rộn đã dần hình thành và đến nay trở thành một sản phẩm hàng giúp những người phụ nữ ở xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, Lai Châu gia tăng thu nhập.

Gìn giữ trang phục truyền thống người Hà Nhì Hoa nơi thượng nguồn Sông Đà- Ảnh 2.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Hà Nhì Hoa ở huyện Mường Tè, Lai Châu nhiều màu sắc, mang đậm sắc màu văn hóa độc đáo. Ảnh: Thùy Anh

Quảng bá bản sắc dân tộc người Hà Nhì ở Mường Tè

Là người tiên phong trong việc quảng bá hình ảnh, nét văn hóa đặc sắc trong trang phục của người phụ nữ Hà Nhì, ở xã Ka Lăng, huyện Mường Tè; chị Chu Nhù Pư ở bản Mé Gióng cho biết: Tôi làm bộ sản phẩm quần áo Hà Nhì này để cung cấp cho những người không biết may thêu và bận rộn không có thời gian may trang phục. Đồng thời, tôi cũng muốn góp phần quảng bá bản sắc dân tộc của người Hà Nhì và để tăng thu nhập cho gia đình.

Gìn giữ trang phục truyền thống người Hà Nhì Hoa nơi thượng nguồn Sông Đà- Ảnh 3.

Trước đây, phụ nữ Hà Nhì Hoa có khi phải mất đến nửa năm mới hoàn thành một bộ trang phục truyền thống. Ảnh: Thùy Anh

Được biết, để đồng hành với bà con, vừa qua các cấp, các ngành ở địa phương đã rất quan tâm tới việc quảng bá hình ảnh, văn hóa, trong đó có trang phục Hà Nhì, xã Ka Lăng đã đăng ký đưa trang phục của người Hà Nhì vào làm sản phẩm Ocop của xã. 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Giàng A Lình, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Mường Tè, Lai Châu cho biết: Trong tương lai phòng Văn hoá và Thông tin huyện sẽ bám sát các nghị quyết của Trung ương, tỉnh Lai Châu, huyện Mường Tè để triển khai những lớp truyền dạy, về thêu may trang phục của các nhóm dân tộc. Từ đó giúp bà con nhận thức rõ về giá trị của việc gìn giữ những nét văn hoá truyền thống. Đồng thời, khuyến khích bà con tự sản xuất trang phục tạo thành sản phẩm hàng hoá, vừa giúp bà con nâng cao nhận thức về việc giữ gìn bảo tồn những nét văn hoá truyền thống, vừa giúp bà con nâng cao thu nhập.

Gìn giữ trang phục truyền thống người Hà Nhì Hoa nơi thượng nguồn Sông Đà- Ảnh 4.

Trang phục truyền thống của người Hà Nhì Hoa được các chàng trai cô gái diện trong những ngày lễ hội của dân tộc. Ảnh: Thùy Anh

Nếu có dịp về miền đất biên giới Mường Tè vào những dịp lễ hội mới cảm nhận hết được lòng tự hào, tình yêu của đồng bào Hà Nhì Hoa nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nơi thượng nguồn sông Đà nói chung gửi gắm vào những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Bà con đã và đang duy trì và bảo tồn những nét văn hoá gắn với phát triển kinh tế, đây là cơ sở củng cố ý thức tự tôn dân tộc và là nền tảng cho sự phát triển kinh tế bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem