Giữ “lửa” cho các làng nghề tiểu thủ công nghiệp

Trần Thế Thứ bảy, ngày 02/09/2023 07:22 AM (GMT+7)
Trong những năm qua, TP.HCM luôn xác định đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhất là phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nông thôn nhằm tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Bình luận 0

Theo số liệu thống kê, thành phố hiện có khoảng 65 ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thu hút trên 70.000 lao động. Trong đó, ngoại thành có khoảng 34 ngành nghề.

Hỗ trợ vốn, ứng dụng công nghệ mới

Huyện Bình Chánh (TP.HCM) vừa có kế hoạch bảo tồn và phát triển các làng nghề trên địa bàn với nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện để các làng nghề tăng cao thu nhập. Trên địa bàn huyện Bình Chánh có 4 nhóm ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 52 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó có nghề se nhang (xã Lê Minh Xuân), một nghề tiểu thủ công nghiệp tồn tại trăm năm nay được thành phố công nhận làng nghề và đưa vào bảo tồn, phát triển.

Giữ “lửa” cho các làng nghề tiểu thủ công nghiệp  - Ảnh 1.

Trong xưởng sản xuất ở Làng se nhang Lê Minh Xuân. Ảnh: T.T

UBND huyện Bình Chánh cho biết, những năm qua huyện đã có những chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng se nhang. Theo đó, các hộ se nhang được chính quyền hỗ trợ vốn, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn, hỗ trợ máy phóng nhang tự động cho hộ dân sản xuất nhang. Ngoài ra, làng nghề se nhang còn được hỗ trợ đăng ký quảng bá sản phẩm.

Về tổ chức hoạt động, làng nghề se nhang có 2 doanh nghiệp, 3 tổ hợp tác với 94 hộ, lao động thường xuyên có 94 người. Tổng số lao động của làng nghề 282 người. Thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Năng suất trung bình tại làng se nhang đạt 1,3 triệu cây nhang/ngày.

Tiếp sức cho làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp

Tới năm 2030, huyện Bình Chánh sẽ có nhiều giải pháp, như tăng cường chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề; hỗ trợ vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch nông thôn.

Về phía thành phố, định hướng phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM sẽ xây dựng các chương trình, đề án hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn 5 huyện là Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè nhằm hỗ trợ các làng nghề.

Theo Sở Công Thương thành phố nhằm phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở Công Thương thành phố sẽ đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo hình thành đội ngũ nhân công, xây dựng lực lượng lao động có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới.

Thành phố đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, thành phố đào tạo lao động nắm được các tiêu chuẩn, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, quản lý chuỗi cung ứng theo ứng dụng blockchain từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem