Trời lạnh, lo trâu ốm
Một trong những điều kiện quan trọng tạo nên những trận “ngưu hùng” mãn nhãn tại Hội chọi trâu Báo NTNN-Phú Sơn Bắc Ninh 2015 tổ chức mới đây là thời tiết ấm áp, vô cùng thuận lợi cho các “ông trâu” so tài. Nhưng phía trước, thời tiết ở miền Bắc nói chung và khu vực Hà Nội nói riêng nhiều khả năng sẽ trở lạnh vào dịp cuối tuần, khiến các chủ trâu không khỏi lo lắng.
Các chủ trâu tích cực chăm sóc sức khỏe cho các “ông trâu” khi Lễ hội chọi trâu Báo NTNN-Phúc Thọ 2015 sắp khai màn. (Ảnh: Đàm Duy)
Trao đổi với NTNN sáng 9.3, chuyên gia trâu chọi Trịnh Quang Tuyên - chủ trâu số 30 dự Lễ hội chọi trâu Báo NTNN-Phúc Thọ 2015 cho hay: “Về việc chăm sóc, làm chuồng kín, đốt lửa xua muỗi, sưởi ấm cho trâu trong những ngày giá rét… thì các chủ trâu đều đã có kinh nghiệm. Nếu thời tiết ấm thì khả năng chịu đau, chịu lạnh của trâu sẽ tốt hơn, giúp trâu máu hơn khi thi đấu”.
Là chủ trâu số 24 vô địch Hội chọi trâu Báo NTNN-Phú Sơn Bắc Ninh 2015, anh Đinh Văn Tư (Phúc Thọ, Hà Nội) chia sẻ: “Do đã có kinh nghiệm tìm kiếm, chăm sóc, huấn luyện trâu nên tôi đã may mắn cùng trâu của mình đoạt giải Nhất Hội chọi trâu ở Bắc Ninh. Tại Lễ hội chọi trâu Báo NTNN-Phúc Thọ 2015, tôi cũng đóng góp 1 trâu tốt và hy vọng có thể tiếp tục cống hiến cho người dân quê hương mình những trận đấu đẹp”.
Theo anh Tư, để giúp trâu của mình có thể trạng tốt nhất, mỗi buổi sáng anh đều cho trâu uống mật ong để cải thiện tiêu hóa. Sau đó, anh cho trâu ra sông bơi lội vài km. Bài tập này sẽ giúp cơ bắp trâu săn chắc, tăng cường thể lực. Để cải thiện khả năng chiến đấu, chịu được lực va đập lớn khi thi đấu, trâu được cho tập húc bờ ruộng. Thức ăn chính của trâu là đầu mía và ngô... “Tôi mong thời tiết khi vào hội sẽ ấm áp để các “ông trâu” có thể phát huy hết sở trường, phô diễn những miếng đánh độc, đẹp”.
Hứa hẹn nhiều trận đấu hay
Về chất lượng 32 “ông trâu” dự vòng chung kết Lễ hội chọi trâu Báo NTNN-Phúc Thọ 2015, giới mê trâu chọi đều đánh giá rất cao. Lý do là 32 “ông trâu” này đã phải vượt qua vòng loại (tổ chức tháng 1.2015) với sự tham gia của 76 “ông trâu” tới từ nhiều địa phương trên cả nước như Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nghệ An và các huyện trên địa bàn Thủ đô như Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất… Hơn nữa, nếu như năm ngoái, do mới chơi nên các chủ trâu chưa có thời gian tìm kiếm trâu ưng ý, chưa hiểu rõ cách chăm sóc, huấn luyện; thì năm nay, các chủ trâu đã có thời gian khoảng 1 năm “luyện” trâu và chất lượng được kỳ vọng ngang tầm với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nổi tiếng. “Đầu tư một trâu chọi ban đầu vào khoảng 110-120 triệu đồng. Đến giờ, tính thêm công chăm sóc vào đã lên tới 150-160 triệu đồng rồi” - anh Trịnh Quang Tuyên cho biết thêm.
Theo ông Ngô Quang Huấn – thành viên Ban tổ chức: “Trong số 32 “ông trâu” dự vòng chung kết không may “ông trâu” số 21 đã chết và hiện chúng tôi đang tuyển bổ sung thêm 1 “ông trâu”. Sự đa dạng về xuất xứ, nguồn gốc, các miếng đánh, các đòn thế, hứa hẹn sẽ tiếp tục mang lại cho Hội chọi trâu Báo NTNN - Phúc Thọ 2015 nhiều trận đấu mãn nhãn. Tôi tin sân vận động Trung tâm thị trấn Phúc Thọ sẽ không còn một chỗ trống”.
Anh Trịnh Quang Tuyên tiết lộ: “Kinh nghiệm của chúng tôi là phải chọn những trâu giống to, mắt nhỏ, mi dày… là tốt nhất. Trâu khi ít tuổi có thể phục vụ sản xuất. Khi khoảng 10-13 tuổi có thể tham gia thi đấu”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.