Giữa đại dịch Covid-19, nông dân Hà Nội trồng cây gì, nuôi con gì mà vẫn cho thu nhập hàng tỷ đồng?

Trần Quang Thứ bảy, ngày 17/07/2021 12:50 PM (GMT+7)
Trong quý II, mặc dù dịch bệnh Covid - 19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng Hà Nội vẫn đạt được kết quả cao trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Bình luận 0
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều mô hình cây, con ở Hà Nội vẫn cho thu nhập hàng tỷ đồng/ha - Ảnh 1.

Mô hình trồng nấm hữu cơ đang mang lại thu nhập cao cho người dân tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Ảnh: Trần Quang

Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội quý II/2021; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021 của Sở NNPTNT Hà Nội, đến nay, thành phố có 368/382 xã (chiếm 96,3%) đạt chuẩn NTM; 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây. 

Còn 6 huyện chưa đạt chuẩn NTM, trong đó: Huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020 trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, thẩm định; các huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2021

Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 của Hà Nội đạt 55 triệu đồng/người/năm, các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 70 triệu đồng, Hoài Đức 62 triệu đồng, Đan Phượng 61,2 triệu đồng...

Về nông nghiệp, hiện Hà Nội có 141 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Các mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay, như: Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh huyện Thạch Thất phát triển theo hướng áp dụng công nghệ cao của Nhật Bản, Đức vào sản xuất nông nghiệp, HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý, huyện Đan Phượng, diện tích 5ha với sản lượng 3 tạ rau/ngày, trung bình mỗi tháng cũng cho thu nhập trên 120 triệu đồng, giá trị bình quân/ha canh tác đạt gần 6,7 tỷ đồng/ha...

Trong 6 tháng vừa qua, lĩnh vực Chăn nuôi của thành phố vẫn tăng nhẹ về số lượng và sản lượng gia súc, gia cầm; không có dịch bệnh lớn xảy ra và được kiểm soát tốt về tình hình dịch bệnh. Các hộ chăn nuôi tiếp tục tái đàn và thực hiện theo quy định đối với việc tái đàn. 

Theo thống kê sơ bộ của Cục Thống kê: Đàn trâu của Hà Nội ước tính có 27.000 con, bằng 108%; Đàn bò 130.000 con bằng 100,63%; Đàn gia cầm 39,8 triệu con, bằng 100,8%; Đàn lợn khoảng 1,337 triệu con, bằng 113,67% so với cùng kỳ; diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản là trên 22.000ha, tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 53.000 tấn (bằng 102,96% )...

Đối với phát triển kinh tế tư nhân, dến nay, toàn thành phố hiện có 1.255 HTX nông nghiệp. Trong đó có 1.097 HTX đang hoạt động (chiếm 87,41%); 158 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể (chiếm 12,59%). Trên cơ sở tổng hợp báo cáo kết quả đánh giá, phân loại 1.005 HTX năm 2020 của các quận, huyện, thị xã có 180 HTX tốt (chiếm 17,91%), 360 HTX khá (chiếm 35,82%), 433 HTX trung bình (chiếm 43,08%) và 32 HTX yếu (chiếm 3,18%).

Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội quý II/2021, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM quý II/2021 là 10.547,02 tỷ đồng, trong đó, người dân đóng góp 116,1 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp HTX 235,97 tỷ đồng...

Trong 6 tháng cuối năm 2021, Hà Nội thấn đấu đặt mục tiêu có thêm 4 huyện đạt chuẩn NTM (Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa), 14 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 03 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và huyện Đan Phượng đạt chuẩn NTM nâng cao. Phấn đấu đưa thu nhập của người dân nông thôn đạt 60 triệu đồng/người/năm.

Riêng về nông nghiệp, thành phố phấn đấu phát triển đàn bò khoảng 135.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 12.000 tấn; đàn trâu khoảng trên 25.000 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 156.000 tấn; đàn gia cầm 40 triệu con; trong đó 30 triệu con gà; 10 triệu con vịt, ngang, ngỗng và gia cầm khác...

Để hoàn thành được các mục tiêu đặt ra, Hà Nội đề nghị Chính phủ sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp (xã, huyện, tỉnh) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu); Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện.

Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ TNMT nghiên cứu tham mưu Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai để tháo gỡ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay; ban hành Nghị định về tích tụ, tập trung ruộng đất; có các cơ chế, chính sách thông thoáng trao quyền chủ động cho người dân được giao đất, thuê đất tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn.

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem