Giữa dịch Covid-19: Cần ưu tiên tiêm chủng vaccine cho nhân viên bán lẻ, phục vụ thực phẩm thiết yếu
Giữa dịch Covid-19: Cần ưu tiên tiêm chủng vaccine cho nhân viên bán lẻ, phục vụ thực phẩm thiết yếu
Khánh Nguyên
Thứ hai, ngày 12/07/2021 12:11 PM (GMT+7)
Mặc dù là đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất, song trong Kế hoạch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 quy mô lớn do Bộ Y tế mới ban hành, khối các nhân viên bán lẻ, phục vụ thực phẩm thiết yếu lại không được xếp vào danh sách ưu tiên tiêm chủng đợt này. Các nhà bán lẻ đã kiến nghị, cần bổ sung gấp khối nhân viên này.
Nhân viên bán lẻ, đồ thực phẩm thiết yếu chịu nhiều rủi ro nếu không được tiêm vaccine ngừa Covid-19
Theo báo cáo của Bộ phận công tác phía Nam, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), đến sáng ngày 11/7/2021, tình hình cung ứng hàng hoá tại TP.Hồ Chí Minh cải thiện nhiều, tại siêu thị hàng hoá tương đối đầy đủ.
Tuy nhiên, các siêu thị hạn chế người vào siêu thị cùng lúc do phải áp dụng quy tắc chống dịch 5K. Siêu thị hệ thống Bách Hoá Xanh cùng lúc chỉ phục vụ 05 người.
Siêu thị thuộc Co.opmart mỗi đợt chỉ phục vụ 05 người vào mua sắm, các siêu thị khác phải hẹn giờ để khách đến mua sắm.
Trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh có khoảng 40.000 điểm cung ứng các mặt hàng thiết yếu. Với đặc thù của ngành hàng tiêu dùng, các nhân viên phải tiếp xúc với rất nhiều người ở nhiều thời điểm trong ngày, làm tăng nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây bệnh.
Đây chính là lý do khiến các nhân viên bán lẻ cần được ưu tiên tiêm phòng vaccine.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị Bộ Y tế bổ sung nhân viên bán lẻ và sản xuất nhu yếu phẩm và đối tượng tiêm chủng vaccine Covid-19.
Trước đó, ngày 25/5, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đã gửi công văn đề xuất Bộ Y tế và Bộ Công Thương tạo điều kiện để nhóm đối tượng nhân viên tuyến đầu của các doanh nghiệp bán lẻ được nhanh chóng tiêm vaccine phòng Covid-19 nhằm bảo vệ sức khỏe an toàn cho các doanh nghiệp bán lẻ, đồng thời tạo môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng.
Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, với tính chất đặc thù, nhân viên của các doanh nghiệp bán lẻ mỗi ngày phải tiếp xúc hàng triệu lượt khách hàng, nguy cơ bị mắc Covid-19 là rất cao.
Ngày 3/6, Bộ Công Thương cũng đã gửi văn bản đến Chính phủ kiến nghị người lao động tại các điểm bán lẻ hàng hóa thiết yếu như siêu thị, chợ truyền thống... cần được đưa vào diện ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19.
"Việc bổ sung đối tượng này nhằm bảo vệ đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao do hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng và đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ của dịch bệnh" - công văn của Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Kiến nghị nhân viên bán lẻ được ưu tiên tiêm phòng vaccine Covid-19
Theo đại diện Tập đoàn Masan, Masan hiện có 30 nhà máy, trong đó có các tổ hợp chế biến thực phẩm đặt tại hàng chục tỉnh thành trên cả nước.
Đặc biệt, hệ thống bán lẻ hiện đại VinMart, VinMart+ của Masan có gần 2.500 điểm bán lẻ phủ rộng trên khắp cả nước với hơn 22.000 nhân viên bán lẻ.
"Tổng cộng Masan có gần 40.000 nhân viên. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 6.500 nhân viên được tiêm vaccine" - đại diện Masan cho biết.
Từ thực tế đó, Tập đoàn Masan kiến nghị. Bộ Y tế bổ sung nhân viên bán lẻ và sản xuất nhu yếu phẩm vào đối tượng tiêm chủng, đồng thời mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo các tỉnh, thành cho nhóm đối tượng này, nếu không có thể sẽ tạo “lỗ hổng” trong công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời khó đảm bảo chuỗi cung ứng.
Theo lý giải, hiện nay TP. HCM và nhiều địa phương đang phải áp dụng Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, các cửa hàng thực phẩm thiết yếu vẫn phải mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Bởi thế, việc không đưa các nhân viên ngành hàng bán lẻ vào diện ưu tiên tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 là không hợp lý, từ đó dẫn tới nguy cơ nhân viên bán lẻ có thể bị lây nhiễm hoặc ngược lại nhân viên bán lẻ có thể sẽ lây nhiễm cho khách hàng nếu chẳng may mắc Covid-19.
Đồng quan điểm, ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành chuỗi Big C và Go! miền Bắc - Tập đoàn Central Retail Việt Nam, cho rằng, để đảm bảo chuỗi cung ứng được thông suốt trong mọi điều kiện dịch bệnh thì các nhân viên bán lẻ và sản xuất nhu yếu phẩm phải được xếp vào đối tượng được ưu tiên tiêm phòng vaccine Covid-19.
"Nhiều nhân viên của BigC tại các địa phương có dịch như TP.Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Tiền Giang,... đã được tiêm phòng vaccine Covid-19, tuy nhiên do số lượng vaccine còn hạn chế nên nhiều nhân viên vẫn phải chờ để được tiêm toàn bộ. Đây là đối tượng phải tiếp xúc với nhiều người trong một ngày nên việc được ưu tiên tiêm phòng vaccine Covid-19 là cần thiết để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị ảnh hưởng" - ông Phong nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, đúng là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, ai cũng cần được tiêm phòng vaccine Covid-19, tuy nhiên, khi nguồn vaccine còn khan hiếm cần xác định đâu là nhóm cần "ưu tiên hơn" để vừa đảm bảo chống dịch vừa duy trì phát triển kinh tế.
"Sau kiến nghị của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và công văn của Bộ Công Thương, nhóm nhân viên bán lẻ, sản xuất các mặt hàng thiết yếu đã được đưa vào nhóm đối tượng tiêm phòng vaccine Covid-19, nhiều nhân viên bán lẻ cũng đã được tiêm. Chúng tôi hy vọng thời gian tới, các nhân viên bán lẻ được tiêm vaccine nhiều hơn để đảm bảo chuỗi cung ứng" - bà Loan nói.
"Tôi hoàn toàn đồng tình với kiến nghị của các doanh nghiệp bán lẻ nên đưa nhóm nhân viên bán lẻ và sản xuất các mặt hàng thiết yếu vào đối tượng cần được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 ngay, do đặc thù của ngành này nhân viên thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng. Nếu dịch Covid-19 tấn công vào các cơ sở bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng nhu yếu phẩm thì việc đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn" - ông Phú nói.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, việc các nhân viên bán lẻ và sản xuất các mặt hàng nhu yếu phẩm vào danh sách ưu tiên được tiêm phòng vaccine Covid-19 là rất cần thiết vì đặc thù công việc của họ tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng và trong mọi cấp độ của dịch bệnh thì vẫn phải đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người tiêu dùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.