Giúp người dân tiếp cận dễ dàng khám, điều trị bệnh lao

Lan Anh Thứ tư, ngày 22/11/2023 21:36 PM (GMT+7)
Theo TS Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, sau 2 năm diễn ra dịch Covid-19, công tác phòng, chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bình luận 0

Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch. Số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020.

Giúp người dân tiếp cận dễ dàng khám, điều trị bệnh lao - Ảnh 1.

Bệnh viện Phổi tỉnh Điện Biên phối hợp Trung tâm Y tế TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên khám phát hiện chủ động sàng lọc bệnh lao cho người dân. Ảnh: Minh Trang

"Chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Đây là một trong những nguyên nhân Chương trình chống lao quốc gia phải đánh giá lại các mục tiêu của chương trình, thực hiện cập nhật kế hoạch chiến lược phòng chống lao quốc gia và đề xuất điều chỉnh lộ trình chấm dứt bệnh lao vào năm 2035" – TS Lượng nói.

Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện, hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, gần 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

TS - bác sĩ Đinh Văn Lượng cho biết, để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, hệ thống phòng, chống lao cần lồng ghép với hệ thống y tế chung, các dịch vụ khám, chữa bệnh lao cần được bao phủ rộng khắp tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế, nhằm đảm bảo người dân tiếp cận dễ dàng, thuận tiện nhất với các dịch vụ khám, chẩn đoán, điều trị bệnh. Chương trình chống lao quốc gia, Bệnh viện Phổi T.Ư sẽ nâng cao năng lực và đẩy mạnh vai trò tuyến y tế cơ sở trong phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao thông qua chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phòng, chống lao các tuyến.

Từ đầu năm 2023, Chương trình chống lao đã triển khai thí điểm mô hình phát hiện chủ động bệnh lao trên diện rộng tại cộng đồng với sự tham gia tích cực của hệ thống y tế cơ sở, sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND và Sở Y tế tỉnh Ninh Bình. Mô hình này đã có những kết quả khả quan. Vì vậy, lãnh đạo Bệnh viện Phổi T.Ư mong muốn sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra này tới các địa phương khác, trên cơ sở rút ra các bài học, kinh nghiệm trong quá trình triển khai.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, cần huy động sự hưởng ứng của cả cộng đồng với công tác phòng, chống lao, tăng cường tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao. Cần có các chiến dịch, chương trình truyền thông, huy động cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống lao, nâng cao nhận thức của người dân, giảm mặc cảm, kỳ thị bệnh lao; vận động đầu tư đa nguồn cho công tác phòng, chống lao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem