Giúp nhà nông có lương hưu

Thứ tư, ngày 27/03/2013 06:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đã từng có nhiều Quỹ Bảo hiểm xã hội nông dân quy mô cấp xã, huyện ra đời như ở Nghệ An, Hà Nội... và có nhiều nông dân hào hứng tham gia - bởi hơn ai hết, người nông dân cũng mong muốn có lương hưu để an hưởng tuổi già...
Bình luận 0

Mong muốn cháy lòng như vậy là có thật, nhưng khi một chính sách lớn, toàn diện là Bảo hiểm xã hội tự nguyện ra đời và đã qua 4 năm triển khai thì đến nay số nông dân, lao động tự do, lao động làng nghề tham gia lại quá thấp: Chỉ hơn 140.000 người, trong số gần 40 triệu lao động “được quyền” mua BHXH tự nguyện.

Nguyên nhân được chỉ ra thì nhiều, nhưng như chia sẻ rất thật lòng của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân với phóng viên NTNN thì “người có đủ thu nhập thì không muốn tham gia, còn người lao động nghèo không biết chính sách, hoặc biết, muốn tham gia thì không có đủ khả năng tài chính”. Vì vậy, bài toán để huy động người dân tham gia phải là bài toán tổng thể của nhiều giải pháp.

Bài toán đầu tiên lại là vế thứ 2: Làm thế nào để nông dân, lao động nghèo mua được BHXH tự nguyện, khi mà mức mua cứ “tăng dần đều” theo lương tối thiểu: Từ 18% (năm 2010) lên 20% năm 2013 và sẽ lên 22% năm 2014. Lao động có thể chọn mức đóng bằng từ 1 - 20 lần lương tối thiểu. Mức lương tối thiểu hiện nay là 1.050.000 đồng, lao động đóng tối thiểu là hơn 200.000 đồng và tối đa là 2 triệu đồng/tháng. Với lao động nghèo, mức đóng theo lựa chọn sẽ là 200.000 đồng, nhưng khi phải bỏ tiền mặt thì nhiều người xót, trong bối cảnh con còn nheo nhóc, đói ăn, thất học. Vì thế, họ ngán ngại... Giải pháp hỗ trợ 30% mức đóng dành cho lao động nghèo, lao động có mức thu nhập trung bình mà Bộ LĐTBXH vừa đề xuất được kỳ vọng sẽ giúp gỡ bỏ những e ngại trên. Chính sách hiện đang được xây dựng, dự thảo sẽ có rất nhiều tranh cãi quanh những khái niệm mơ hồ, nhưng hy vọng rồi sẽ tới một kết luận cuối cùng: Người lao động sẽ được hỗ trợ.

Nhưng còn một bài toán khó hơn, với con đường dài hơn, không có trong chính sách: Đó là con đường từ nhà người lao động tới cơ quan bảo hiểm xã hội. Với nhiều người, nó chỉ là vài bước chân, mà sao xa xôi, bởi họ không được hướng dẫn, không hiểu thủ tục... Hướng dẫn của cơ quan BHXH Việt Nam rất rõ ràng, nhưng cứ đến cấp huyện là... tắc. Có những địa phương mà cả xã, cả huyện “trắng” BHXH tự nguyện cho thấy con đường này dài tới mức nào. Vì thế, “tắc” ở đâu thì cần “thông” ở đấy để lao động nghèo thực sự với tới được BHXH tự nguyện, được hưởng lợi từ chính sách an sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem