Goal-line là gì và nó "khiến" ĐT Việt Nam ôm hận ra sao?
Goal-line là gì và nó "khiến" ĐT Việt Nam ôm hận ra sao?
PV
Thứ ba, ngày 16/11/2021 21:27 PM (GMT+7)
Bàn thua của ĐT Việt Nam trước ĐT Ả Rập Xê Út tại Mỹ Đình chính là tình huống mà Goal-line đã can thiệp. Trọng tài chính Hattab Hanna khi nhận được tin hiệu từ Goal-line lập tức công nhận bàn thắng cho ĐT Ả Rập Xê Út mà không cần tham khảo ý kiến từ trọng tài biên.
Công nghệ Goal-line không phải đơn thuần là một loại máy, mà thực ra bao gồm nhiều thể loại thiết bị có mục đích nhận diện và phân tích dữ liệu đường đi, vị trí của bóng so với vạch khung thành được tính để làm bàn thắng.
Hiện có 2 loại công nghệ Goal-line được công nhận và áp dụng bởi FIFA và các tổ chức danh giá khác trên thế giới, chia thành camera nhận biết và cảm biến từ trường.
Camera nhận biết
Đây là hệ thống nổi bật và phổ biến nhất tính đến hiện nay. Nó sẽ sử dụng 14 camera tân tiến lắp xung quanh khắp sân vận động ở các vị trí khác nhau, hướng đều về 2 mặt gôn của 2 đội - 7 chiếc/bên. Tất cả những camera đó sẽ đều làm nhiệm vụ tập trung ghi lại hình ảnh của trái bóng với tốc độ rất cao và nhanh nhạy, đương nhiên là chính xác tuyệt đối nữa để tính toán khoảng cách tương đối đến vạch vôi khung thành và kết luận là đã "vào" hay chưa.
Các camera chỉ về bên khung thành.
Kể cả khi có ai đó che lấp góc nhìn của camera thì khó mà khiến chúng trở nên vô dụng, vì chỉ cần ít nhất 3 camera ghi lại được khoảnh khắc là quá đủ để đánh giá hình ảnh sắc nét đó rồi. Thậm chí, nó ghi được tường tận đến những điểm ảnh bé nhất, và tốc độ bóng lên đến 120km/h. Nếu bóng qua vạch, một tín hiệu thông báo sẽ được gửi tới qua đồng hồ thông minh hoặc tai nghe của trọng tài để chính thức công nhận.
Cảm biến từ trường
Công nghệ này được hợp tác đầu tư bởi cả thương hiệu thể thao danh tiếng adidas, nhưng áp dụng cơ chế khác hơn so với cách dùng camera bên trên. Cụ thể, họ sẽ "cấy" một cảm biến điện tử vào chính giữa trung tâm quả bóng, nằm gọn chặt trong những lớp vỏ. Việc còn lại là xây dựng một vùng từ trường bằng cách chôn những đường dây điện quanh khu vực penalty và sau vạch vôi để tạo thành một mạng lưới.
Cảm biến được đặt ở chính giữa quả bóng.
Họ có thể sẽ lắp đặt thêm cả các ăng-ten, làm theo những tính toán chuyên sâu hơn để tạo ra một lằn ranh xác định chuẩn nhất làm mốc, căn theo vạch vôi của khung thành. Tất nhiên là cảm biến trong bóng cũng rất bền bỉ, chịu được những cú đá "thần công" thoải mái mà không lo hề hấn, còn vào gôn hay không thì công việc của từ trường và tín hiệu phân tích sẽ làm nhiệm vụ còn lại.
Cùng với công nghệ VAR, công nghệ Goal-line cũng đã được áp dụng tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Ở một số trận đấu trước, ĐT Việt Nam đã được trải nghiệm VAR, còn ở trận gặp ĐT Ả Rập Xê Út vừa kết thúc cách đây ít phút, thầy trò HLV Park Hang-seo lần đầu tiên trải nghiệm công nghệ Goal-line.
Cụ thể, sau tình huống thiếu dứt khoát của Hồng Duy ở phút thứ 31, Al Harbi cướp được bóng rồi đột phá trước treo bóng để Al Shehri đánh đầu từ cự ly gần. Bóng rót vào khung thành và dù Bùi Tấn Trường đã cố hết sức nhưng vẫn không thể cứu thua.
Thực tế, đây là tình huống mà mắt thường rất khó quan sát bóng đã qua vạch vôi hay chưa, nhưng trọng tài Hattab Hanna rất nhanh công nhận bàn thắng cho ĐT Ả Rập Xê Út mà không cần tham khảo ý kiến từ trọng tài biên. Lý do là vì ông đã nhận được tín hiệu bàn thắng hợp lệ từ Goal-line. Pha quay chậm lại sau đó cũng cho thấy, bóng đã qua vạch vôi trước nỗ lực cứu thua của Bùi Tấn Trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.