Tờ Japan Today hôm nay (18-12) đưa tin giáo sư Kazue Muta thuộc ĐH Osaka – một chuyên gia về xã hội học lịch sử và lý luận giới tính, ngày 11-12 đã đăng trên mạng xã hội Twitter bài viết cáo buộc hoàng tử phạm tội quấy rối tình dục.
Truyện cổ tích Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Ảnh: Japan Today/ Wikipedia/Lothar Meggendorfer
Giáo sư gợi ý mọi người hãy tưởng tượng cảnh một cô gái trẻ đẹp đang nằm ngủ trong bệnh viện thì đột nhiên, con trai của một chính trị gia lừng lẫy đi ngang qua trông thấy. Bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của cô gái, nam thanh niên bước tới và đặt nụ hôn lên môi nàng. "Đó là quấy rối tình dục với người vô thức", GS khẳng định. Bà còn liên hệ câu truyện cổ tích với bản tin có thật ở Nhật Bản: Một người đàn ông ở Wakayama đã bị bắt vì hôn cô gái đang ngủ trên tàu.
"Có thể các bạn nghĩ rằng tôi hủy hoại trí tượng tượng đẹp đẽ của mọi người nhưng những câu chuyện như thế này đang thúc đẩy tình trạng bạo lực tình dục. Tôi muốn mọi người nhận thức rõ về nó", giáo sư Kazue Muta nhấn mạnh.
Lời nhận xét của vị giáo sư đại học lập tức nhận được sự quan tâm, tranh cãi của nhiều người dùng mạng xã hội Twitter và truyền thông. Đa số ý kiến phản đối, ném đá quan điểm của vị giảng viên này.
"Dù giáo sư có diễn giải câu chuyện theo hướng nào thì tôi tin những điều hoàng tử làm không phải tấn công tình dục", một người dùng Twitter bình luận. "Không thể áp luật pháp và đạo đức hiện đại vào chuyện cổ tích", người khác viết. Vài người khác cho rằng trong trường hợp này, hành động của hoàng tử giống hô hấp nhân tạo hơn là tấn công tình dục. Người khác dí dỏm nói: "Tôi là một luật sư, Bạch Tuyết không tố cáo hành động trên thì không có lý do gì để buộc tội tấn công tình dục với hoàng tử".
Giáo sư Kazue Muta
Trong khi đó, số ít ủng hộ quan điểm nữ giáo sư. "Vì đẹp trai nên hoàng tử đã thoát tội. Đời khi nào cũng vậy", một cư dân mạng nhận xét. Một số người còn cho rằng nếu không phạm tội quấy rối tình dục, hoàng tử cũng đã vi phạm không gian cá nhân của phụ nữ chỉ vì sở thích cá nhân.
Theo Japan Today, thực chất trong phiên bản Grimm của câu chuyện "Bạch Tuyết", không có nụ hôn nào xảy ra. Thay vào đó, hoàng tử chỉ xê dịch chiếc quan tài thủy tinh, lay nàng Bạch Tuyết dậy khiến miếng táo độc văng ra khỏi miệng và đánh thức nàng. Trong trường hợp này, nếu hoàng tử hôn cũng hợp lẽ vì nụ hôn giống như quá trình hà hơi, thổi ngạt hô hấp nhân tạo. Theo đó, hành động hoàng tử hôn công chúa trong truyện "Công chúa ngủ trong rừng" cũng được nhìn nhận tương tự.
Mặc dù nhiều người "ném đá" vì cho rằng quá khập khiễng khi áp các giá trị, luật lệ, đạo đức của năm 2017 vào các nhân vật cổ tích nhưng chung quy, thông điệp của giáo sư Kazue Muta rất thời sự và đáng suy ngẫm. Bằng dẫn chứng gần gũi, giáo sư đã giúp mọi người, nhất là sinh viên, giới trẻ có cuộc thảo luận bổ ích về bản chất của quấy rối, tấn công tình dục, giúp họ nhận thức rõ ràng hơn và tìm ra câu trả lời thống nhất về hành vi phạm tội này.
Nụ hôn của hoàng tử với Bạch Tuyết trong hoạt hình Disney
Giáo sư Muta Kazue nhận bằng thạc sĩ về xã hội học của ĐH Kyoto năm 1985 và bằng Tiến sĩ của ĐH Osaka năm 2007 và trở thành Phó giáo sư khi đang công tác tại Trường ĐH Nữ sinh Konan. Bà từng là học giả thỉnh giảng tại ĐH Havard và giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Columbia (Mỹ). Bà cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về nữ quyền, quấy rối tình dục, cuộc sống, tình dục phụ nữ đương lại.
Năm điều ở giáo dục Nhật Bản khiến nhiều người suy ngẫm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.