Hà Giang: Mang 34.000 cây cam giống mới lên "thủ phủ" cam để làm việc này

Minh Ngọc Thứ bảy, ngày 10/07/2021 13:00 PM (GMT+7)
Thực hiện mô hình cải tạo thay thế vườn cam già cỗi, mới đây tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ hơn 34.000 giống cây cam (cam V2, xã Đoài, CS1) và 169 tấn phân bón hữu cơ cho 195 hộ tại 3 xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang), xã Tân Trịnh (huyện Quang Bình).
Bình luận 0

34.000 cây cam được trao đến tay nông dân

Cụ thể, giống cam đã cấp là 34.000 cây cho 3 xã: Vĩnh Phúc và Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang) 24.000 cây/180ha; Tân Trịnh (huyện Quang Bình) 12.000 cây/80ha. Phân bón hữu cơ đã cấp là 169 tấn, dầu khoáng 1.300 lít, xịt bẫy côn trùng 2.080 chai.

Theo đó, khi đươc trao giống cam mới và phân bón hữu cơ, cán bộ khuyến nông, nông nghiệp tỉnh sẽ hướng dẫn người dân trồng thay thế các cây cam sành già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp bằng các giống cam khác như V2, xã Đoài, CS1... để rải vụ thu hoạch, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón hiệu quả, hợp lý, tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm...

Được biết, việc cải tạo thay thế vườn cam già cỗi, kém hiệu quả trên địa bàn huyện Bắc Quang để phục vụ công tác rải vụ cam thuộc Hợp phần 3 - Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới tỉnh Hà Giang năm 2021, nhằm từng bước khắc phục nhược điểm, hạn chế trong khâu sản xuất thâm canh cam trên địa bàn tỉnh.

Khôi phục vị thế cho cây cam Hà Giang - Ảnh 1.

Người dân xã Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quang) cải tạo vườn cam già cỗi bằng giống cam V2. (Ảnh: Nguyễn Hùng).

"Với việc cung cấp giống cam mới, chất lượng, ít sâu bệnh, người dân được hướng dẫn cách chăm sóc cam thì trong những năm tới đây chất lượng cam Hà Giang sẽ được nâng lên, khẳng định được giá trị, thu nhập của nông dân cũng được cải thiện".

Bà Phạm Thị Thoa - Giám đốc Trung tâm

Khuyến nông tỉnh Hà Giang

Tăng chất lượng nhờ trồng giống cam mới

Ông Đàm Văn Thuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho biết, tổng diện tích cây cam của toàn huyện ước khoảng 5.000ha. 

Trong đó, diện tích cây cam sành vào khoảng 3.500ha, tuy nhiên tình trạng phát triển nóng cây cam sành trong thời gian qua cũng khiến cho cung vượt cầu.

Trước thực trạng này, ngay khi kết thúc niên vụ cam 2020 - 2021, huyện Bắc Quang đã phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện rà soát, xây dựng phương án cải tạo vườn cam già cỗi, thay đổi cơ cấu cây trồng. 

"UBND huyện Bắc Quang đã giao cho các phòng chuyên môn và các xã có diện tích cây cam lớn thực hiện rà soát lại toàn bộ diện tích. Đồng thời tổ chức đăng ký nhu cầu cây giống cải tạo cho người nông dân"- ông Thuyên cho hay.

Kết quả, từ đầu năm 2021 đến nay thông qua các chương trình, nguồn vốn khác nhau, UBND huyện Bắc Quang đã cấp trên 22.000 cây giống tương đương 180ha cây cam rải vụ cho người nông dân.

Tại xã Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quang) hiện có trên 1.000ha cam, chủ yếu là cam vàng và cam sành, sản lượng mỗi năm ước đạt trên 11.000 tấn. Tuy nhiên, mấy năm gần đây xuất hiện nhiều diện tích cam già cỗi, làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ông Hoàng Cao Thế - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phúc cho hay, qua quá trình rà soát, người dân xã Vĩnh Phúc đã chặt bỏ 100ha cam già cỗi, giống cam V2 được trồng thay thế - giống cam V2 là giống lai tạo mới có sức sống thích nghi phổ rộng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu tại khu vực phía Bắc Việt Nam. 

"Trong quá trình cải tạo vườn cam già, bà con nông dân xã Vĩnh Phúc đã nhận được sự hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, từ đó biết áp dụng biện pháp sản xuất sạch theo phương pháp truyền thống sử dụng 100% phân bón hữu cơ" - ông Thế chia sẻ. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem