Hà Nội: "Bước ngoặt" từ các chuỗi liên kết nông sản, nông dân tăng thu nhập

Thiên Ngân Thứ ba, ngày 05/01/2021 20:30 PM (GMT+7)
Việc triển khai các dự án chuỗi liên kết nông sản trên địa bàn Hà Nội đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nông dân về hiệu quả sử dụng đất đai, giảm sử dụng phân bón hóa học, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nông dân…
Bình luận 0

Đó là đánh giá của Sở NNPTNT Hà Nội tại hội nghị tổng kết dự án chuỗi giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch phát triển nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2019 - 2020, diễn ra mới đây.

Nhiều dự án hiệu quả cao

Theo báo cáo tại hội nghị, nổi bật nhất trong các kế hoạch, dự án chuỗi mà thành phố triển khai thời gian qua là mô hình sản xuất lúa Japonica cho lợi nhuận 30 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn sản xuất lúa thường 20 triệu đồng. So với năm 2018, đến nay diện tích sản xuất lúa Japonica tại 10 huyện sản xuất lúa trọng điểm tăng gấp 2,55 lần.

Trong đó, Hà Nội đã xây dựng thành công 2 nhãn hiệu tập thể "Gạo Japonica Mỹ Thành" và "Gạo Japonica hữu cơ Nam Phương Tiến"; 2 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica, gồm: HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) liên kết với Công ty CP Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam và HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) đảm nhận khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ.

Bước ngoặt từ các chuỗi liên kết nông sản  - Ảnh 1.

Mô hình sản xuất lúa Japonica theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết thực hiện tại xã Phương Tú, Ứng Hòa (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Dũng

Đối với dự án chuỗi sản xuất, cung cấp sản phẩm chăn nuôi, Hà Nội đã hoàn thiện 11 mô hình chuỗi. Trung bình mỗi ngày, các chuỗi này cung cấp cho thị trường 14 tấn thịt lợn, 6,5 tấn thịt gia cầm, 105.000 quả trứng, 105 tấn sữa tươi, 1 tấn thịt bò... Nhiều chuỗi đã thiết lập được hệ thống các phân phối, cửa hàng tiện tích, bếp ăn tập thể để tiêu thụ ổn định sản phẩm chăn nuôi với giá trị gia tăng từ 10 - 15%.

Huyện Ứng Hòa dẫn đầu TP.Hà Nội về diện tích lúa Japonica (chủ yếu là giống J02), hiện nông dân huyện này đang sản xuất hơn 3.400ha/vụ, chiếm gần 50% diện tích lúa J02 toàn thành phố. 

Giám đốc HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú) Cao Thị Thủy chia sẻ, tham gia vào chuỗi sản xuất lúa hàng hóa trên địa bàn, đơn vị đã cung cấp các dịch vụ: Mạ khay, máy cấy, thuốc bảo vệ thực vật, phơi sấy, bao tiêu sản phẩm cho bà con. HTX cũng đã xây dựng 15 giàn sấy lúa tại xã Hồng Quang để thu mua lúa J02 tươi và xây dựng dự án chuỗi sản xuất - chế biến lúa gạo tại xã Liên Bạt, thu mua, bao tiêu lúa, gạo, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao, TP.Hà Nội đã hoàn thiện 11 chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm, nổi bật là chuỗi chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, hằng năm cung cấp cho thị trường trên 3.000 tấn thịt bò chất lượng cao. 

Các chuỗi này cũng gia tăng giá trị sản phẩm bê từ 10 - 20% so với các bê thông thường khác; giá trị tăng thêm ước đạt 27,5 tỷ đồng…

TP.Hà Nội cũng đã xây dựng được hơn 10 vùng trồng bưởi đỏ Tân Lạc và các giống bưởi đặc sản theo chuỗi giá trị, quy mô 500ha; năng suất quả tăng 13,5% (25,0 tạ/ha), sản lượng tăng 42,1% (45.384 tấn), hiệu quả kinh tế đạt 589 triệu đồng/ha.

Theo đánh giá của Sở NNPTNT Hà Nội, việc tạo ra nông sản thực phẩm theo chuỗi không chỉ đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch và được tuyên truyền rộng rãi, mà còn giúp gia tăng giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường; nhiều chuỗi đã thiết lập được hệ thống phân phối, cửa hàng tiện tích, bếp ăn tập thể, sản lượng tại các chuỗi đã tăng trên 10% so với trước khi tham gia dự án.

Từ các chuỗi này, trên địa bàn đã hình thành một số HTX, nhiều sản phẩm đã được các chủ thể mạnh dạn đưa vào tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần nâng tầm giá trị cho các loại nông sản.

"Đầu tàu" về xây dựng, phát triển chuỗi liên kết

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao những kết quả của dự án chuỗi giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch phát triển nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2019-2020. Thứ trưởng cho rằng, với những kết quả đó, TP.Hà Nội xứng đáng là đầu tàu của cả nước về xây dựng, phát triển chuỗi liên kết nông sản.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn một số hạn chế cần khắc phục như: Còn nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ, chưa đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn (sản xuất, giết mổ nhỏ lẻ, chợ cóc, chợ tạm...), dẫn tới nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Vì vậy, Hà Nội cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm; tiếp tục phát huy các lợi thế sẵn có, các thành tựu đạt được, tăng cường thông tin tuyên truyền, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết nông sản ngoài 21 tỉnh, thành phố đang có liên kết để tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Sở NNPTNT, các ban, ngành liên quan, trong thời gian tới, cần tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuyên canh tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm; chế biến, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Rà soát các vùng, xã để phát triển sản xuất, phát triển theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng giống cây trồng vật nuôi theo hướng phát triển con giống chất lượng cao, phát huy lợi thế của từng vùng và địa phương… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem