Hà Nội có bao nhiêu xe ô tô?

PV Thứ năm, ngày 16/11/2023 15:20 PM (GMT+7)
Tính đến tháng 10/2023 Hà Nội có trên 7,8 triệu phương tiện các loại. Trong đó, hơn 1,1 triệu xe ô tô, hơn 6,7 triệu xe môtô và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn.
Bình luận 0

Theo Cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội, ngày 16/11, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề "Công tác tổ chức giao thông, trông giữ phương tiện và quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu HĐND - UBND Thành phố tới điểm cầu các quận, huyện, thị xã.

Hà Nội có bao nhiêu xe ô tô? - Ảnh 1.

Hà Nội hiện đang có khoảng hơn 1,1 triệu xe ô tô, xe môtô là khoảng hơn 6,7 triệu xe. Ảnh: TL

Trình bày báo cáo về tình hình thực hiện quy định của pháp luật về quản lý giao thông trên địa bàn TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Hữu Bảo cho biết, mạng lưới giao thông đường bộ Hà Nội hiện đang khai thác có tổng chiều dài là hơn 23,4 nghìn km bao gồm 5 tuyến cao tốc và vành đai, 11 tuyến đường quốc lộ, 128 tuyến đường tỉnh, 1.220 tuyến đường đô thị...

Dân số của TP Hà Nội là trên 8 triệu người (chưa bao gồm khoảng 1,2 triệu người vãng lai thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố).

Số lượng phương tiện giao thông đường bộ tính đến tháng 10/2023 là trên 7,8 triệu phương tiện các loại, trong đó xe ô tô khoảng hơn 1,1 triệu xe, xe môtô khoảng hơn 6,7 triệu xe, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn.

Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2022 là trên 10% đối với ô tô và trên 3% đối với xe máy, trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được 10,35% (chỉ tăng được khoảng từ 0,26-0,3%/năm) và diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới được dưới 1%.

Về quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe tạm thời, theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn thành phố quy hoạch 13 bến xe khách liên tỉnh, 12 bến xe tải và 1.620 bãi đỗ xe công cộng.

Hiện có 5/13 bến xe khách liên tỉnh đang khai thác sử dụng, 5/12 bến xe tải đang khai thác hoạt động và đã được đầu tư, có 57/1.620 bãi đỗ xe theo quy hoạch đang khai thác sử dụng và 66/1.620 đang triển khai đầu tư và chưa có bãi đỗ xe trung chuyển P&R được hình thành theo quy hoạch.

Về công tác tổ chức giao thông, từ đầu năm 2023 đến nay UBND Thành phố đã chỉ đạo thành lập 4 tổ công tác liên ngành gồm Sở GTVT, Công an Thành phố và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát phát hiện và xử lý kịp thời các bất cập trong tổ chức giao thông và giải quyết các điểm ùn tắc giao thông, các điểm đen về tai nạn giao thông.

Kết quả đã thực hiện điều chỉnh tổ chức giao thông 44 tuyến đường, nút giao thông trên địa bàn thành phố để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Xử lý được 11/37 điểm ùn tắc giao thông, còn lại 26 điểm.

Đồng thời đã xác định 4 nhóm nguyên nhân gây ra 26 điểm ùn tắc giao thông hiện đang xử lý. Các điểm đen tai nạn giao thông đã được xử lý, năm 2022 xử lý dứt điểm 21 điểm, trong năm 2023 xử lý được 6/7 điểm...

Về tình hình cấp phép tạm thời sử dụng lòng đường, vỉa hè để tổ chức trông giữ phương tiện, tính đến 20/10/2023, Sở GTVT đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông giữ phương tiện cho 40 đơn vị tại 214 vị trí, với diện tích gần 38 nghìn m2.

UBND cấp huyện cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố cho các tổ chức, cá nhân để trông giữ xe khoảng 422 điểm, với diện tích 93,3 nghìn m2.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội công tác quản lý giao thông trên địa bàn thành phố còn một số tồn tại như: Diện tích đất của thành phố dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 8-10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có, còn lại 90% nhu cầu đang đỗ tại các bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng.

Tốc độ phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện gây áp lực rất lớn hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là mạng lưới giao thông tĩnh.

Để giải quyết triệt để, ổn định tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản, lâu dài. Trong đó, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.

Tăng cường phát triển, ưu tiên cho vận tải hành khách công cộng để góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, vận tải. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem