Hết chồng đến vợ thay nhau thất nghiệp vì dịch Covid-19
Vài ngày qua, kể từ sau khi công ty có ca nhiễm Covid-19, chị Hoàng Thị Thanh Thương (30 tuổi, ở Thái Nguyên) trọ tại xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội, phải tạm nghỉ việc ở nhà.
Chị Thương hiện đang làm Công ty SEI, Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội. Sau khi phát hiện nam bảo vệ công ty nhiễm Covid-19, tính đến nay, công ty này đã có 35 trường hợp.
"Tôi làm ở phân xưởng 2 không cùng xưởng có ca dương tính nên cơ quan y tế chỉ lấy mẫu xét nghiệm và ở nhà. Hôm đầu khi nghe có ca dương tính tôi cũng lo lắng lắm nhưng giờ mọi chuyện cũng tạm yên tâm. Sau khi có ca nhiễm, công ty tạm dừng hoạt động cho nghỉ nên giờ cả ngày chỉ quanh quẩn ở nhà", chị Thương chia sẻ.
Chị Thương kể, từ khi dịch bệnh Covid-19, cuộc sống không chỉ của riêng vợ chồng chị mà rất nhiều công nhân bị ảnh hưởng. Có người rơi vào cảnh thất nghiệp, người thì bị giãn việc,…
"Trước vợ chồng tôi thuê trọ ở đây làm nhưng khác công ty. Tuy nhiên, do công việc bấp bênh nên đầu tháng 4, anh làm cho công ty tại Khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang. Ngày anh di chuyển cả đi và về hơn 100km từ Bắc Giang về Hà Nội và ngược lại. Thế nhưng vừa làm được khoảng 1 tháng thì chồng tôi chịu cảnh thất nghiệp khi Bắc Giang bùng phát ca bệnh", chị Thương kể.
Thời điểm đó, anh Ma Văn Tuấn (chồng chị Thương) phải thuê ở lại nhà trọ Bắc Giang, không việc làm. Dịch bệnh phức tạp khiến chị không khỏi lo lắng. "Hằng ngày theo dõi tình hình dịch bệnh tại Bắc Giang có nhiều ca là công nhân, tôi đã rất lo lắng. Chỉ mong anh không làm sao đã tốt lắm rồi. Anh mới đi làm lại được nửa tháng thì đến lượt công ty tôi có ca bệnh", chị Thương buồn rầu.
"Gần 3 tháng rồi, tôi chưa được gặp hai con nhỏ. Vì công việc khó khăn nên vợ chồng tôi đành để con ở nhà nhờ ông bà nội chăm sóc. Hơn 2 tháng nay, vợ chồng cũng chưa được gặp nhau. Cả ngày tôi chỉ loanh quanh trong phòng trọ với 4 bức tường không dám ra ngoài vì dịch bệnh phức tạp", chị Thương nói thêm.
Mong ước giản đơn của những công nhân "làm bữa nay, lo bữa mai"
Cũng như vợ chồng chị Thương, công việc của anh Lê Tuấn Anh (29 tuổi, quê Thanh Hoá) cũng bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh. Anh Tuấn Anh làm điện lạnh, những ngày vừa qua dịch bệnh phức tạp nên công ty tạm dừng hoạt động. Vợ anh làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long cũng chịu cảnh thất nghiệp, công việc bấp bênh.
"Công nhân vốn thu nhập không cao và không ổn định, nhưng nghỉ việc về quê vợ chồng cũng không biết làm gì. Vợ chồng tôi làm ngoài này gửi con nhỏ ở quê nhờ bố mẹ trông giúp. Hàng tháng dè dặt chi tiêu, tiết kiệm tiền gửi về lo cho con. Giờ dịch bệnh kéo dài công việc sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống", anh Tuấn Anh bộc bạch.
Những ngày qua, dịch bệnh phức tạp, trường học của con nghỉ, vợ chồng chị Phan Thị Ngọc (28 tuổi, quê huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đành nhờ người thân ra xóm trọ ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh trông giúp.
"Khi có người trong Khu công nghiệp Thăng Long nhiễm Covid-19, hàng nghìn công nhân phải nghỉ làm, chúng tôi rất lo lắng. Vốn đã phải "làm bữa nay, lo bữa mai", chỉ mong sao dịch bệnh không bùng phát để công nhân có việc làm", chị Ngọc chia sẻ.
Theo chị Ngọc, công ty có đề xuất cho công nhân ở lại phân xưởng ở, làm việc, tránh tiếp xúc bên ngoài. Tuy nhiên, vì có hai con nhỏ nên vợ chồng chị không ở nơi làm việc.
"Trước đây, vợ chồng thu xếp thời gian chăm lo cho con cái. Tuy nhiên, giờ phải nhờ sự trợ giúp của bố tôi. Ông từ quê ra trông giúp hai cháu. Nhiều người cũng bảo cho con về quê để ông bà tiện chăm sóc nhưng vợ chồng tôi quyết tâm gần con.
Tuổi thơ chỉ có một nên con phải gần bố mẹ, khó khăn bao nhiêu vợ chồng cũng chịu được. Hôm công ty bảo đăng ký ở công ty, tôi quyết định từ chối vì có 2 con nhỏ ở nhà, nhỡ may dịch ốm đau ông sao lo được", chị Ngọc chia sẻ.
Nữ công nhân này chia sẻ, dịch bệnh phức tạp nên chị không cho con ra ngoài. Hằng ngày hai con chị Ngọc cũng chỉ quanh quẩn chơi với vài trẻ nhỏ cạnh nhà trọ. Hơn ai hết, chị Ngọc cùng hàng vạn công nhân làm tại Khu công nghiệp Thăng Long mong không có dịch bệnh để công việc không bị gián đoạn, có thể tiếp tục công việc như trước đây lo cho cuộc sống tốt đẹp hơn…
Sáng ngày 14/7, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thông tin, công đoàn các cấp thống kê gần 500.000 công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên hoặc mất việc làm từ cuối tháng 4 đến nay do dịch bệnh Covid-19.
Theo ông Khang, ngoài ra, gần 9.500 ca nhiễm là công nhân, viên chức lao động tại 35 tỉnh thành, chiếm hơn 31% tổng số ca lây nhiễm cộng đồng. Khoảng 60.000 công nhân là F1, 160.000 người là F2.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã chi khẩn cấp 113 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 193.000 lao động. Trong đó, chi cho mỗi công nhân bị dương tính SARS-CoV-2 3 triệu đồng và 1,5 triệu đồng với F1 có hoàn cảnh khó khăn. Cơ quan này tiếp tục đề xuất các doanh nghiệp trích kinh phí mua vaccine tiêm phòng cho công nhân.
Dự báo thời gian tới số lượng công nhân bị ảnh hưởng vẫn sẽ tăng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng các cấp ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 26.000 tỷ đồng. Gói an sinh có nhiều nhóm thụ hưởng là công nhân, người lao động phải nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng hoặc mất việc. Tổng Liên đoàn sẽ phổ biến sâu rộng chính sách đến người lao động, chủ doanh nghiệp và giám sát quá trình thực hiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.