Hà Nội rút ra bài học gì qua việc trồng thử nghiệm cây phong lá đỏ đường Trần Duy Hưng?

Hoàng Thành Chủ nhật, ngày 20/06/2021 12:32 PM (GMT+7)
GS Nguyễn Lân Hùng - Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, việc Hà Nội trồng thử nghiệm cây phong lá đỏ ở đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh là một bài học hữu ích cho việc thử nghiệm cây trồng ở Thủ đô.
Bình luận 0

Trong hai ngày vừa qua (18-19/6),  Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã phối hợp với đơn vị tài trợ di chuyển hơn 30 cây phong lá đỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) về vườn ươm Yên Sở (quận Hoàng Mai), để chăm sóc.

Ông Nguyễn Xuân Hanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, trước mắt đơn vị sẽ di chuyển số cây phong lá đỏ về vườn ươm ở Yên Sở (quận Hoàng Mai) chăm sóc, sau đó, thời gian thích hợp sẽ trồng thay thế cây bàng lá nhỏ tại tuyến đường này.

"Mặc dù cây đang xanh tốt nhưng vì nắng nóng nên phải di chuyển. Nếu hàng cây phong để trong quá trình nắng nóng thủ đô nhiệt độ quá cao sẽ hỏng rất lãng phí", ông Hanh nêu lý do di chuyển.

Hà Nội rút ra bài học gì qua việc trồng thử nghiệm cây phong lá đỏ đường Trần Duy Hưng? - Ảnh 1.

Tối 19/6, các công nhân cùng với xe cẩu đã có mặt trên đường Nguyễn Chí Thanh để di chuyển những cây phong lá đỏ về vườn ươm Yên Sở. (Ảnh: Nguyễn Chương).

Cần nghiên cứu, thử nghiệm kỹ trước khi trồng

Về việc này, trao đổi với PV Dân Việt, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng (chuyên gia sinh học - Nông nghiệp, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam) cho biết, việc tìm những giống cây mới để làm đẹp cho Hà Nội là một điều hay, chúng ta nên ủng hộ.

"Thời gian qua, từ nguồn xã hội hoá, nhiều đơn vị đã bổ sung thêm nhiều cây xanh khác nhau, thử nghiệm và trồng thử điều này cũng giúp cho cảnh quan thiên nhiên của Hà Nội trở nên đa dạng, phong phú và đẹp hơn. Tuy nhiên, việc trồng cây gì, ở vị trí nào cần được thử nghiệm, nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ lưỡng", GS Nguyễn Lân Hùng nhận định.

Đối với cây phong lá đỏ được trồng ở đường Trần Duy Hưng và Nguyễn Chí Thanh, theo GS Nguyễn Lân Hùng, đây là một loại cây ôn đới, quen sống ở khí hậu lạnh, ở nước ta nếu đưa lên vùng như Sa Pa (Lào Cai) hay Tam Đảo (Vĩnh Phúc) thì có thể sinh trưởng tốt.

"Còn việc trồng ở Hà Nội thời gian qua, trước khi trồng ở Hà Nội đơn vị trồng đã không nghiên cứu kỹ thổ nhưỡng khí hậu tại Thủ đô nên cây sinh trưởng kém là điều tất yếu", ông Hùng nói và phân tích, đây là giống phong lá đỏ có nguồn gốc ở Canada nên không phù hợp với Hà Nội. "Cây phong lá đỏ có giống ở nhiều nước trên thế giới, nếu lấy giống ở Trung Quốc về trồng thì có thể sinh sống và phát triển tốt vì ở Nam Ninh (Trung Quốc) họ trồng và phát triển rất tốt".

Hà Nội rút ra bài học gì qua việc trồng thử nghiệm cây phong lá đỏ đường Trần Duy Hưng? - Ảnh 2.

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia sinh học - Nông nghiệp, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam. (Ảnh: Trần Quang)

Đáng chú ý, Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, việc những cây phong lá đỏ không sinh trưởng tốt là một bài học trong thử nghiệm cây trồng đối với Hà Nội.

"Việc tìm cây trồng để làm cho Hà Nội đẹp hơn, xanh hơn là một ý tưởng đóng góp cho Thủ đô rất hay, chúng ta nên ủng hộ. Tuy nhiên, Công ty công viên cây xanh, các đơn vị có liên quan của Hà Nội nên tổ chức thử nghiệm cẩn trọng trước khi trồng ở những tuyến đường chính.

Việc này trên thế giới người ta cũng rất cân nhắc, đơn cử như Singapore họ nhập cây của cả thế giới, chỗ nào có cây hay thì họ nghiên cứu, thử nghiệm và đưa về nên mới có một quốc đảo xanh như ngày hôm nay", GS Nguyễn Lân Hùng nói và cho rằng, trong thực tiễn, có những cây phong hương hay còn gọi là cây sau sau - một loài cây bản địa của Việt Nam sống được ở Hà Nội như Khu đô thị Ngoại giao đoàn, khu đô thị Tây Hồ Tây, khu vực Đại sứ quán Hàn Quốc. "Cho nên khi chọn cây về trồng ở Hà Nội cố gắng chọn những cây phù hợp với điều kiện Thủ đô", GS Nguyễn Lân Hùng nhấn mạnh.

Cùng trao đổi về việc này, GS.TS Lê Đình Khả - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cũng nhận định, cây phong lá đỏ sẽ phù hợp trồng ở khu vực không khí lạnh như Sa Pa, Đà Lạt hơn bởi đây là cây ưa lạnh.

"Sai lầm lớn nhất của Hà Nội là chọn cây nhưng không trồng thử đã đưa vào trồng với số lượng lớn dù chưa hiểu biết gì về loài phong lá đỏ. Nguyên tắc lớn nhất của một loài cây khi đưa vào trồng là phải trồng thử trong 3-4 năm xem nó phát triển như thế nào. Mua cây giống thì đắt tiền, công chăm sóc lớn, bây giờ thay thế, quá lãng phí", ông Khả cho hay.

Hà Nội rút ra bài học gì qua việc trồng thử nghiệm cây phong lá đỏ đường Trần Duy Hưng? - Ảnh 4.

Hàng cây phong lá đỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng trước khi được đánh chuyển về vườn ươm. (Ảnh: Phạm Hưng).

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Công viên xây xanh Việt Nam cho biết, phong lá đỏ là một loại cây ôn đới, quen sống trong khí hậu lạnh, không thể thích nghi với môi trường đô thị nhiệt đới nắng nóng, mưa nhiều.  "Trước khi trồng cây phong lá đỏ, đơn vị trồng đã không nghiên cứu kỹ thổ nhưỡng, khí hậu tại Hà Nội nên cây chết là tất yếu", ông Chính nói.

Ông Chính cho rằng, khi người Pháp trồng cây xanh tại Hà Nội, họ đã nghiên cứu rất cụ thể khu vực nào, tuyến đường nào trồng loại cây gì, tán cây cao hay thấp, đường rộng, đường hẹp phải trồng các loại cây khác nhau cho phù hợp.

Thay thế cây phong lá đỏ là điều tất yếu

Liên quan tới việc hàng trăm cây phong lá đỏ trên tuyến đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh có khả năng sẽ phải thay thế bằng loại cây khác, GS Nguyễn Lân Hùng cho rằng, việc này đã được các chuyên gia cảnh báo từ trước đó. "Khi cây phong lá đỏ không sinh trưởng như mong muốn thì buộc phải thay thế loại cây khác để đảm bảo mỹ quan TP", ông Hùng nói.

"Những cây phong lá đỏ trồng trên tuyến đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh chưa được trồng thử nghiệm do đó không đánh giá hết được sự phù hợp. Khí hậu của Hà Nội không lạnh, mùa hè quá nóng trong khi giống phong này chỉ sống được ở xứ lạnh nên không chịu được. Chính vì vậy, việc thay thế cây phong bằng giống cây khác là hợp lý", GS Nguyễn Lân Hùng nhấn mạnh thêm.

Hà Nội rút ra bài học gì qua việc trồng thử nghiệm cây phong lá đỏ đường Trần Duy Hưng? - Ảnh 5.

Hàng cây bàng lá nhỏ được trồng trên phố Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội). (Ảnh: Gia Khiêm).

Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cũng cho biết, qua trao đổi, ông được biết, trên tuyến đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh sau khi di chuyển cây phong lá đỏ, Hà Nội sẽ trồng thay thế bằng cây bàng Đài Loan - bàng lá nhỏ.

Về việc trồng cây bàng lá nhỏ thay cho phong lá đỏ, GS.TS Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, theo đánh giá nếu trồng loài cây này thì khả năng thành công sẽ cao hơn, sinh trưởng tốt hơn. Các cây bàng lá nhỏ được yêu cầu có thân thẳng, dáng cân đối, phân cành cao để không làm ảnh hưởng đến giao thông.

GS.TS Lê Đình Khả cũng đánh giá, nếu trồng loài cây này thì khả năng thành công sẽ cao hơn, sinh trưởng tốt hơn, tuy nhiên bản thân ông vẫn muốn trồng những cây có nguồn gốc trong nước. "Ví dụ như loài lá đỏ, tôi thấy có cây lộc vừng rất đẹp, mùa hè thì lá sẽ xanh tươi, tới mùa đông chuyển sang xuân, lộc vừng chuyển lá đỏ rất đẹp mắt, sau đó đâm chồi nảy lộc xanh tươi vào mùa xuân. Hay cây sau sau lá đỏ. Ngoài ra cây bằng lăng trồng cũng rất đẹp. Vào mùa ra hoa thì tím cả một góc phố. Cây bằng lăng cũng không quá to, mưa đổ không nguy hiểm", ông Khả chia sẻ.

"Đường Nguyễn Chí Thanh là tuyến phố đẹp nhất Hà Nội. Tôi nghĩ TP không nên vội vàng trồng cây bàng lá nhỏ thay thế ngay. Chúng ta nên có buổi tổng kết, xem xét những ý kiến cẩn thận xem ngoài cây bàng lá nhỏ, cây nào đẹp, phù hợp với cảnh quan đô thị tại tuyến phố này hay không. Chúng ta xem lại vụ trồng cây phong lá đỏ, cây mỡ thất bại… để làm bài học", GS.TS Lê Đình Khả lưu ý.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem