Lứa U19 HAGL vẫn thường được gọi bằng cụm từ "những đứa trẻ của bầu Đức" là một nhóm cầu thủ đặc biệt. Bất cứ người hâm mộ nào theo dõi bóng đá Việt Nam thời điểm 2014-2016 đều cảm nhận được hết những điều khác lạ và thú vị mà lứa cầu thủ này đem đến cho bóng đá nước nhà.
Họ là người tái tạo lại cảm giác "sướng" khi xem một trận bóng nội địa. Họ thổi vào làng cầu Việt Nam một thứ không khí tưng bừng tưởng chừng như không thể có, nhất là sau trận thua đầy ngờ vực của đội tuyển Việt Nam ở bán kết AFF Cup 2014.
Họ chính là chất xúc tác để người yêu bóng đá Việt Nam nói về "Giấc mơ World Cup". Không phải yếu tố chuyên môn, những gì mà thế hệ U19 của HAGL đem đến phần lớn là những xúc cảm cho một nền bóng đá đang khô cằn và kiệt quệ. Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam chìm sâu vào u tối, sự xuất hiện của lứa cầu thủ này chính là niềm hy vọng và thắp sáng lại tình yêu.
Tạo ra tiếng vang lớn ở các giải đấu trẻ cấp độ ĐTQG, lứa cầu thủ được bầu Đức đôn lên chơi ở V.League. Ngay lập tức, từ Cần Thơ đến sân Thống Nhất, rồi Mỹ Đình, Thiên Trường, Lạch Tray … người hâm mộ kéo nhau đến sân xem HAGL thi đấu.
Các kỷ lục về khán giả những mùa giải V.League từ 2015 đến 2020 đều liên quan đến những trận đấu có mặt HAGL.
Nhưng cũng vì cảm xúc mà các yếu tố chuyên môn đã bị bỏ quên trên con đường phát triển nghề nghiệp của lứa cầu thủ này.
Cho đến nay, sau 8 mùa giải chơi bóng ở V.League, không một cầu thủ HAGL nào lọt vào top 3 giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam ngoài trường hợp của Lương Xuân Trường hồi năm 2016 khi đang khoác áo Incheon (Hàn Quốc).
Họ cũng không có một danh hiệu tập thể nào ngoài chức vô địch giải U21 quốc tế hồi năm 2015. Tấm huy chương đồng tại Cúp Quốc gia 2022 chẳng đem đến cho HAGL lẫn người hâm mộ niềm vui sướng. Thậm chí, tiền vệ Minh Vương còn định tháo ra, nhưng được đồng đội khuyên can.
Ở thời điểm này, tất cả đều hiểu, nếu không rời HAGL, lứa cầu thủ này sẽ chẳng có danh hiệu cá nhân nào trong suốt sự nghiệp của mình. Nhất là khi, tài năng của họ thực sự đã chững lại cả về phương diện kỹ năng thi đấu đến tư duy chiến thuật.
Chưa kể, mỗi trận đấu của HAGL lúc này chỉ mang tiếng thở dài nhiều hơn vui vẻ. Các khán đài sân Pleiku cũng dần một thưa thớt. HLV Kiatisak Senamuang có tài năng đến mấy cũng không thể vực dậy tinh thần của cả một tập thể đã quá rệu rã và hoang mang trước tương lai của chính mình.
Hợp đồng đào tạo đặc biệt của nhiều cầu thủ thuộc lứa U19 với HAGL kéo dài đến tận năm 28 tuổi, tức là kết thúc sau mùa này hoặc mùa sau. Về lý thuyết, hợp đồng nào cũng có thể bị phá vỡ, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Có 2 giả thuyết: Một là cầu thủ có cái tình với bầu Đức nên tôn trọng tuyệt đối hợp đồng. Hai, là không đội nào "thèm khát" đến mức mua cầu thủ HAGL bằng mọi giá. Tóm lại, khúc mắc vẫn nằm ở chỗ có được sự đồng ý của bầu Đức.
Trước truyền thông, bầu Đức nhiều lần khẳng định tôn trọng lựa chọn của mỗi cầu thủ, nhưng nếu có rời đi, ông cũng sẽ là người quyết định sau cùng về bến đỗ mới.
Người hâm mộ chắc chắn không muốn chứng kiến viễn cảnh HAGL "tan đàn xẻ nghé" sau mùa giải 2022. Bản thân các cầu thủ cũng đã đấu tranh tư tưởng rất dữ dội về chuyện đi - ở. Nhìn cảnh Tuấn Anh, Minh Vương, Xuân Trường,... nằm gục trên sân Pleiku sau trận thua Hà Nội FC tại Cúp Quốc gia 2022 là rõ.
Từ mùa bóng năm sau, họ sẽ không còn được chơi bóng cùng nhau trong một màu áo nữa. HAGL cũng sẽ thực hiện cuộc thay đổi quy mô lớn bậc nhất trong lịch sử. 18 năm rồi, HAGL chưa giành thêm bất kỳ danh hiệu nào.
Dù là một cái kết không trọn vẹn, nhưng có lẽ, những người yêu mến đội bóng phố Núi đều đồng ý rằng, đây là giải pháp tốt nhất cho cả 2 bên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.