Đó là mẹ Đặng Thị Hiệp, 56 tuổi và mẹ Nguyễn Thị Lành, 53 tuổi. 20 năm qua, các mẹ đã tự thành lập tổ ấm, nuôi hàng trăm đứa trẻ nên người.
Khi chúng tôi đến thăm tổ ấm, mẹ Hiệp đang thay tã lót cho 1 cháu bé người dân tộc Cơ Tu, quê ở Quảng Nam, mới tròn 2 tuần tuổi. Mẹ Hiệp chia sẻ, em bé này là “sản phẩm” của cô gái trót “ăn cơm trước kẻng”, không vượt qua nổi dư luận đã tự ruồng bỏ giọt máu của chính mình.
Mẹ Nguyễn Thị Lành cũng tâm sự, những trường hợp bỏ con vào trung tâm như vậy không ít. Trong đó mẹ nhớ nhất một trường hợp cách đây 4 năm, có một học sinh lỡ dính bầu, sợ bố mẹ la mắng nên em đó đã dại dột leo lên ngọn cây nhảy xuống đất, cố tình cho sẩy thai. Thai nhi ra nhưng không chết, được đưa về cho các mẹ nuôi dưỡng. Vì cú nhảy của mẹ mà cháu bị trìa chân, các mẹ phải kiên trì thay nhau nắn chân cho cháu, mãi đến hơn 2 năm sau cháu mới biết đi.
Hiện ở tổ ấm Bình Minh có 2 cháu bị úng não, sống đời sống thực vật, mọi việc ăn uống, vệ sinh đều do 2 mẹ cáng đáng. Một cháu 4 tuổi, cháu kia 5 tuổi. Tương lai của các cháu không biết kéo dài bao năm nữa.
Thật diễm phúc cho chúng tôi khi đến thăm tổ ấm Bình Minh, có một cuộc đoàn tụ hiếm gặp của 4 anh em ruột, đã được nuôi dưỡng ở đây từ năm 1996, có em mới rời tổ ấm năm 2013. Đó là Nguyễn Ngọc Sơn, 29 tuổi; Nguyễn Thị Thủy, 27 tuổi; Nguyễn Ngọc Lâm, 24 tuổi và Nguyễn Ngọc Hà, 22 tuổi. Các em về chúc mừng em út Ngọc Hà lên xe hoa, và đến vấn an sức khỏe của hai mẹ.
Em Lâm rơm rớm nước mắt: “Chú ạ! Nhờ hai mẹ mà tụi em mới được như ngày nay”. Còn em Nguyễn Thị Thủy tâm sự: “Nếu có một điều ước trên cuộc đời này, em ước sao cho 2 mẹ được trường thọ để cưu mang những mảnh đời hẩm hiu, bất hạnh, như các mẹ đã từng cưu mang chúng con vậy”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.