Mới đây, trao đổi với Dân Việt, Giám đốc Công ty TNHH Chí Linh Đỗ Văn Chí đã thừa nhận chính ông cho người đến chặt phá vườn chuối để giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án nhà nước đã cho phép.
Tuy nhiên, ông Chí khẳng định, diện tích đất này là của Nhà nước giao cho công ty của ông chứ không phải là đất của ông Quân.
Vườn chuối của gia đình ông Quân bị ông Chí cho người chặt phá tan nát trong đêm. (Ảnh: Nguyễn Đại)
Hành động cho người đến phá gần 3.000 cây chuối và một số loại cây khác của vị giám đốc Công ty TNHH Chí Linh, theo ước tính sơ bộ, đã gây thiệt hại cho gia đình ông Quân gần 1 tỷ đồng.
Trước sự việc này, trao đổi với Dân Việt, luật sư Lê Văn Luân - Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, hành động của ông Chí là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
“Việc ông Chí thuê người để hủy hoại tài sản của người khác là phạm tội cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác theo Bộ Luật Hình sự” – luật sư Luân khẳng định.
Vị luật sư phân tích, nếu ông Chí cho rằng đây là đất của mình, không phải đất của người khác để tiến hành việc phá hủy số chuối trong vườn thì đó chỉ là lý do. Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi hủy hoại tài sản của người khác. Những cây chuối được trồng là tài sản hợp pháp của ông Quân.
Luật sư Lê Văn Luân – Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long.
Với quyền sở hữu đất đai thì điều này lại liên quan đến trình tự, thủ tục của pháp luật quy định. Ông Chí phải thực hiện theo quy định của pháp luật, hoặc khiếu nại, hoặc khởi kiện ra tòa để đòi lại tài sản hoặc chứng minh quyền sở hữu của mình đối với đất.
“Khi đó tòa án sẽ giải quyết hậu quả của tài sản trên đất. Tuyệt đối anh không được tự ý phá hoại tài sản trên đất thuộc tài sản người khác, kể cả đó là đất của anh”, luật sư Luân nhấn mạnh.
Trước thông tin ông Phạm Văn Quân khẳng định đến năm 2016, ông Quân mới được biết mảnh đất trước đây mình khai hoang và sử dụng đóng cổ phần vào công ty đã do ông Nguyễn Văn Bính đứng tên, luật sư Lê Văn Luân cho biết, ông Quân có thể khởi kiện ra tòa.
“Nếu ông Quân muốn bảo vệ quyền lợi của mình thì phải chứng minh mảnh đất này do ông khai thác hoặc do được giao, hoặc thông qua các giấy tờ như quyết định được giao, hoặc đóng thuế hàng năm, được Nhà nước thừa nhận. Việc này phải được giải quyết bằng khiếu nại thông qua các thủ tục hành chính, hoặc khởi kiện vụ án dân sự. Điều này phụ thuộc vào lựa chọn của bị hại. Đây là cách bảo vệ tài sản của mình đối với quyền sử dụng đất", luật sư Luân nói.
Luật sư Lê Văn Luân cho rằng, vẫn có cách giải quyết với mảnh đất ông Quân cho rằng bị người khác đứng tên.
“Việc mảnh đất này được cấp sổ đỏ rồi nhưng nếu sai vẫn phải hủy. Muốn chứng minh mình có quyền sử dụng đất hợp pháp, ông Quân có thể khởi kiện ra tòa hoặc khiếu nại tới cơ quan chức năng có thẩm quyền”, ông Luân nói.
Về mức phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật của ông Chí khi cho người đến phá vườn chuối của ông Quân, theo luật sư Luân, người có hành vi này có thể bị phạt tù đến 20 năm.
“Theo ước tính sơ bộ, giá trị tài sản bị thiệt hại lên tới gần 1 tỷ đồng. Theo Khoản 4, Điều 178 Bộ luật hình sự, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được luật quy định: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm: Gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên”, vị luật sư dẫn chứng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.