Hai tướng Sudan giành giật cứ điểm trước lệnh ngừng bắn

Thứ năm, ngày 04/05/2023 18:33 PM (GMT+7)
Lực lượng của hai tướng Sudan đều kiểm soát một số cứ điểm then chốt và chưa bên nào có lợi thế thực sự, khi hai bên nhất trí một lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần.
Bình luận 0


Hai tướng Sudan giành giật cứ điểm trước lệnh ngừng bắn - Ảnh 1.

Sudan đang chìm trong chiến sự. Ảnh IT

Tiếng súng vẫn nổ ra tại Sudan vào ngày 3/5, khi tướng quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan và chỉ huy lực lượng bán quân sự RSF Mohamed Hamdan "Hemedti" Dagalo đang cố giành từng cứ điểm và cơ sở hạ tầng, trước khi lệnh ngừng bắn mà hai bên nhất trí có hiệu lực vào ngày 4/5.

Việc các khu vực kiểm soát được phân tách cho hai bên cho thấy cả hai đang ở thế giằng co và không bên nào giành được ưu thế rõ ràng trong giao tranh.

Alan Boswell, Giám đốc khu vực Sừng châu Phi của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG), nói rằng điều này dấy lên nguy cơ xung đột kéo dài, khi không bên nào tìm thấy cơ sở để đàm phán, và tin rằng họ có thể thắng.

Lệnh ngừng bắn mong manh

Các lệnh ngừng bắn trước đó đều không khiến quân đội và RSF kết thúc giao tranh, dù một số nơi được cho là đã hạ nhiệt và tạo điều kiện để người dân sơ tán. Đến ngày 4/5, người dân đã thông báo về các cuộc không kích quanh dinh tổng thống và khu công nghiệp ở Bahri, phía bắc Khartoum, đều là những nơi RSF đang kiểm soát.

Các nhà phân tích cho rằng lợi thế khi xung đột kéo dài sẽ dành cho bên nào đảm bảo được nguồn tiếp tế, vốn là thế mạnh của quân đội chính quy Sudan, theo Washington Post.

Lực lượng bán quân sự RSF đã có nhiều năm tích trữ vũ khí, nhưng lại thiếu lương thực và thuốc men, buộc phe này phải chiếm các bệnh viện và cướp đồ tiếp tế.

Hai tướng Sudan giành giật cứ điểm trước lệnh ngừng bắn - Ảnh 2.

Lực lượng RSF đăng hình ảnh vũ khí tịch thu được ở Darfur vào năm 2017. Ảnh: Reuters.

Lợi thế của RSF nằm ở kinh nghiệm thực chiến và khả năng cơ động. Lực lượng này có thể phòng thủ và lập căn cứ trong thành phố, giảm bớt ưu thế về khí tài như xe tăng hay tiêm kích của quân đội do ông Abdel Fattah al-Burhan chỉ huy.

“Cả hai bên đều đang tăng cường lực lượng tại Khartoum. Mọi người hay nói quân đội Sudan có lợi thế, nhưng khi RSF cố thủ tại Khartoum, những lợi thế đó có quan trọng hay không”, ông Boswell đặt vấn đề.

Tương quan lực lượng, quân đội Sudan có khoảng 134.000 binh lính, so với 100.000 người của RSF. Tuy nhiên, quân đội cũng có thể liên minh với các nhóm vũ trang khác và gia tăng lực lượng lên khoảng 200.000 người.

Hôm 2/5, Tổng thống Sudan Salva Kiir thông báo lệnh ngừng bắn trong một tuần, bắt đầu từ ngày 4/5. Quyền Ngoại trưởng Deng Dau Deng nói rằng lực lượng hai phe đã nhất trí không tiến công, gửi quân tiếp viện và ném bom lẫn nhau trong thời gian này.

Ông Deng Dau Deng cho biết thêm tổng thống đã yêu cầu hai bên gửi phái đoàn tin cậy để thảo luận về kế hoạch đàm phán.

Những thành phố bị chia tách

Maysoon Abdallah, điều phối viên của một ủy ban dân sự ở khu vực phía bắc Bahri, nơi đang cố gắng giúp đỡ các gia đình bị mắc kẹt trong cuộc chiến, cho biết nhiều cư dân của thủ đô đang bị mắc kẹt mà không có nước, thực phẩm hoặc phương tiện đi lại.

Bà Abdallah nói rằng cư dân cũng bị đe dọa bởi một mối nguy hiểm mới, đến từ các băng đảng không có liên kết với phe nào, đang có các vụ cướp xe và cướp của từ những gia đình đang sơ tán.

Việc kiểm soát các cơ sở hạ tầng cũng đang bị chia tách. Với dầu mỏ, quân đội kiểm soát kho cảng xuất khẩu dầu ở Port Sudan - một trong những lối sơ tán chính của dân thường khỏi Sudan. Trong khi đó, RSF kiểm soát nhà máy lọc dầu chính dọc theo đường ống vốn vận chuyển dầu từ Nam Sudan.

Việc kiểm soát các địa điểm sản xuất quân sự cũng bị chia rẽ. RSF hiện kiểm soát khu phức hợp Jiyad nằm ở bang Al-Jazira, phía đông thủ đô, nơi sản xuất xe tăng và máy móc hạng nặng. Tuy nhiên, nhà máy này hiện không thể sử dụng được và RSF không thể vận hành máy móc. Lực lượng của tướng Hemedti cũng kiểm soát khu phức hợp Qari ở Bahri, nơi đang hoạt động và sản xuất vũ khí hạng nhẹ và đạn dược.

Hai tướng Sudan giành giật cứ điểm trước lệnh ngừng bắn - Ảnh 3.

Hải quân Saudi Arabia hỗ trợ người dân sơ tán khỏi Sudan hôm 30/4. Ảnh: Reuters.

Ở chiều ngược lại, nhà máy Yarmouk, nơi sản xuất vũ khí và đạn dược đang hoạt động, cùng một nhà máy khác, đang thuộc kiểm soát của quân đội.

Với quân đội Sudan, họ vẫn có thể dựa vào hỏa lực từ khí tài trên không, với trực thăng chiến đấu và những tiêm kích MiG thời Liên Xô. Đây được cho là nguyên nhân buộc RSF tấn công vào các đường băng, vốn sẽ làm giảm khả năng hoạt động của không quân Sudan.

Một số cuộc giao tranh ác liệt nhất đã diễn ra tại Darfur, quê nhà của ông Hemedti. Sau một tuần giao tranh, các nhóm tại địa phương đã thương lượng ngừng bắn ở hai trong số ba thị trấn tại Darfur.

Muhammad Suleiman, cư dân ở phía bắc Darfur, nói rằng thành phố đang bị chia tách. RSF đang kiểm soát phía đông thành phố, bao gồm tuyến đường chính dẫn đến thủ đô Khartoum, đồng thời lập nhiều nhà tù và đồn điền. Phần phía tây thuộc kiểm soát của quân đội, với các khu chợ, trụ sở quân đội và các văn phòng chính phủ.

Tình hình tại thành phố El-Geneina phức tạp hơn, khi các nhóm vũ trang can thiệp tại đây đều không thuộc quân đội hay RSF. Một cư dân cho biết những nhóm nổi dậy trước đây đã quay lại và tuần tra khu vực phía đông. Phần lớn thành phố gần như bị lực lượng Janjaweed (RSF tách ra từ nhóm này - PV) bao vây.

Tình hình tại thành phố dường như đã lắng xuống, khi các khu chợ đã bị cướp sạch và nhiều cửa hiệu bị đốt cháy. Những nhân chứng thông tin RSF đang kiểm soát tòa nhà của thống đốc, trong khi sân bay do quân đội kiểm soát.

 


 

Trần Hoàng (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem