Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong năm 2024, làn sóng phản đối chính sách tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y tại Hàn Quốc đã gây ra tình trạng hàng loạt sinh viên y khoa ở các trường đại học lớn xin nghỉ học. Theo dữ liệu từ Ủy ban Giáo dục Quốc hội Hàn Quốc, tính từ đầu năm đến ngày 5/10, có 2.661 sinh viên y khoa của năm trường đại học quốc gia xin nghỉ học, một con số gây lo ngại về sự ổn định của hệ thống giáo dục và ngành y tế.
Năm trường đại học có số lượng sinh viên nghỉ học nhiều nhất bao gồm Đại học Quốc gia Kangwon, Đại học Quốc gia Kyungpook, Đại học Quốc gia Kyungsang, Đại học Quốc gia Pusan và Đại học Quốc gia Chonnam. Trong số 2.661 sinh viên xin nghỉ học, chỉ có 173 sinh viên (tương đương 6,5%) được phê duyệt nghỉ học toàn phần, trong khi 2.488 sinh viên (chiếm 93,5%) được phép nghỉ học tạm thời.
Theo thống kê cụ thể từ từng trường, Đại học Quốc gia Pusan có 672 sinh viên xin nghỉ học, Đại học Quốc gia Chonnam có 650 sinh viên, trong khi Đại học Quốc gia Kyungpook có 490 sinh viên. Tại Đại học Quốc gia Kyungsang và Đại học Quốc gia Kangwon, số lượng sinh viên nghỉ học lần lượt là 420 và 256 người. Phần lớn các trường hợp nghỉ học được chấp thuận với lý do thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc do sức khỏe.
Để đối phó với tình hình này, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã yêu cầu các trường đại học không phê duyệt các đơn xin nghỉ học tập thể nếu không có lý do chính đáng. Bộ cũng kêu gọi các trường tích cực hỗ trợ, hướng dẫn sinh viên quay lại học tập, nhằm hạn chế tình trạng nghỉ học kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và hệ thống y tế trong tương lai.
Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc đã và đang xem xét việc điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh ngành y cho năm học 2025. Tuy nhiên, theo cố vấn xã hội thuộc Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ông Jang Sang Yoon, kỳ tuyển sinh theo hình thức xét tuyển đã bắt đầu, và khả năng thay đổi chỉ tiêu vào thời điểm hiện tại là rất khó xảy ra. Các quy định về tuyển sinh đã được ban hành, và việc thay đổi trong lúc này có thể gây ra hỗn loạn, thậm chí dẫn đến tranh chấp pháp lý.
Chính phủ Hàn Quốc kêu gọi giới y bác sĩ và sinh viên y khoa tham gia vào các cuộc đối thoại và thảo luận nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ bế tắc liên quan đến chỉ tiêu tuyển sinh ngành y, với mục tiêu ổn định lại hệ thống y tế quốc gia từ năm học 2026 trở đi.
Trong một nỗ lực cải cách hệ thống y tế, từ ngày 2/10, Hàn Quốc đã bắt đầu thí điểm dự án chuyển đổi cơ cấu các bệnh viện đa khoa tuyến đầu, với nguồn kinh phí lên đến 3.300 tỷ won (tương đương 2,5 tỷ USD). Mục tiêu của dự án này là tăng chi phí phẫu thuật cho các ca bệnh nặng, cải thiện điều kiện và chi phí phòng hồi sức tích cực (ICU), và áp dụng chế độ thưởng theo hiệu quả điều trị. Những biện pháp này được kỳ vọng sẽ tạo ra một hệ thống chăm sóc y tế bền vững, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình cải cách y tế, nhằm bình thường hóa hệ thống y tế đang chịu nhiều sức ép từ tình trạng nghỉ việc và nghỉ học tập thể của các bác sĩ và sinh viên y khoa trong nhiều tháng qua. Quá trình này được kỳ vọng sẽ giúp xây dựng một hệ thống y tế mạnh mẽ, ổn định hơn cho tương lai đất nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.